Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Hãnh diện về 8 người Việt hải ngoại...

Hãnh diện về 8 người Việt hải ngoại...

Người Việt Trên Đất Mỹ



image
Hiệp Chủng Quốc Mỹ là đất hứa đối với nhiều triệu con người trên khắp thế giới khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương chôn nhau cắt rốn của họ. Họ ra đi để tránh sự đàn áp khủng bố chính trị, giới hạn tôn giáo, tước bỏ quyền tự do căn bản của con người, áp đặt bởi các chế độ độc tài, độc đảng toàn trị.

Từ năm 1975, nước Mỹ đã mở rộng cửa đón tiếp cả triệu người tỵ nạn chính trị từ miền Nam Việt Nam. Đây là số lượng cao nhất của những người tị nạn thuộc cùng một sắc dân được tiếp nhận vào Hoa Kỳ, một quốc gia mà dân chúng đa số được du nhập từ khắp nơi trên trái đất.

Trong số trên một triệu người Việt tại Mỹ, người cao tuổi chiếm một tỷ lệ khá cao. Họ đã cố hòa nhập với xã hội mới và cũng có nhiều vấn đề như những người già khác ở đây. Nhưng người cao tuổi mình đến Hoa kỳ từ một nền văn hóa, một nếp sống khác biệt, trong những hoàn cảnh bất lợi nên việc thích nghi có phần khó khăn hơn.

I- Các hoàn cảnh đưa đến việc Người Việt Nam di tản tới Hoa Kỳ

image
Kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, con số người Việt từ miền Nam Việt Nam tới định cư tại Hoa Kỳ tăng rất mau (tới 150%) nhất là trong các thập niên 1980 và 1990. 
Theo kết quả cuộc thống kê dân số thực hiện năm 2007, số người Việt Nam hiện có trên đất Mỹ là 1,642,950 người, đứng hàng thứ ba sau người Trung Hoa, Phi Luật Tân. Đây là một con số nhẩy vọt khá nhanh. Quá phân nửa số trên một triệu người Việt tập trung ở các tiểu bang CaliforniaTexas. Trước năm 1975, chỉ có dăm ngàn người Việt sống trên đất Mỹ, mà hầu hết là vợ con các quân dân chính người Mỹ đã từng phục vụ ở miền Nam Việt Nam, hoặc du học sinh, nhân viên ngoại giao đoàn Việt Nam Cộng Hòa.


Người Việt tới Mỹ theo nhiều đợt khác nhau

Khi miền Nam Việt Nam sắp thất thủ thì  một số người có liên hệ với chính quyền Hoa Kỳ được ưu tiên di tản, cộng thêm quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa có quen biết với tòa Đại sứ hoặc Bộ Tư Lệnh quân đội Mỹ tại Sài Gòn. Họ ra đi bằng máy bay. Sau đó một số khác chạy thoát bằng đường biển và được hạm đội đồng minh đón vớt ngoài hải phận Việt Nam. Với lo ngại sẽ có một cuộc tắm máu, trả thù bởi quân đội chiến thắng Cộng Sản, dân chúng đều tìm đủ mọi phương tiện ra đi. Đó là thời gian từ năm 1975 tới 1978.

image
Từ 1978 đến 1982, tại Việt Nam có phong trào chống kiều dân người Trung Hoa nên một đợt di tản khác lại xẩy ra gồm cả người Việt lẫn người Hoa. Họ ra đi bằng những chiếc thuyền lớn nhỏ đủ loại và được mệnh danh là “Boat People”. Người ta tìm cách vượt biên, vượt biển ra đi, tới các quốc gia lân cận Việt Nam như Phi Luật Tân, Mã Lai, Hồng Kông, Thái Lan, Tân Gia Ba.

Họ đi tìm sự sống trong cái chết, chỉ mong tới được bất cứ mảnh đất nào có tự do, dân chủ. Nhiều người, có khi cả gia đình, thiệt mạng trên biển cả vì bão tố, làm mồi cho cá mập, hoặc bị hải tặc cướp hiếp ngoài khơi.

image
Tới đất liền, những người sống sót được đưa vào trong các trại tị nạn, sống trong lo âu, thiếu thốn chờ đợi ngày được nhận vào các quốc gia đệ tam.

Cảnh vượt biển với nhiều chết chóc thảm thương đã khiến quốc tế lưu tâm tìm cách giải quyết. Cho nên sau nhiều điều đình, thảo luận, những chương trình nhân đạo ra đi có trật tự được thực hiện. Người Việt tới Mỹ bằng diện đoàn tụ gia đình, diện con lai mang dòng máu người Mỹ và diện tù nhân chính trị.

Diện cuối này còn được gọi là diện HO. Năm 1988, đích thân Tổng Thống Ronald Reagan đã ký ban hành Đạo luật giúp đỡ những cựu tù nhân cải tạo từ ba năm trở lên tới định cư tại Mỹ.

image

Họ gồm quân dân chính các cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị chính quyền Cộng sản tập trung, đưa đi cải tạo. Người dăm ba tháng, người vài ba năm, hầu hết mươi mười lăm năm, họ bị cô lập trong các trại tập trung rải rác khắp nước Việt Nam. Các phương thức kiềm chế, hành xác khắc nghiệt được mang ra áp dụng đối với tù nhân. Họ phải lao động chân tay ban ngày để tự sinh tự tồn, học tập về lý thuyết Mác, Lê ban đêm để “gột bỏ tàn tích đế quốc”. Nhiều người bỏ xác trong tù. Đa số có sức khỏe kém cả về thể xác lẫn tâm hồn khi được thả về với gia đình.

Về tới nhà, họ tiếp tục bị chính quyền quản thúc, theo dõi từng hành động. Họ không thể kiếm được việc làm vì là ngụy quân ngụy quyền, thẻ căn cước được đóng con dấu oan nghiệt phân loại đỏ chói. Con cái của họ không được học cao vì thuộc thành phần cha mẹ có “lý lịch xấu”.

Họ chịu nhiều cay đắng vì đã bị người bạn đồng minh bỏ rơi một thành trì bảo vệ tự do trước đây, rồi lại bị đối xử tàn tệ bởi chế độc độc tài, độc đảng. Họ cũng buồn lòng với những đồng ngũ, những cấp lãnh đạo đã bỏ chạy trước khi cuộc chiến chấm dứt. Một số khi trở về nhà, thì người bạn tao khang đã ôm thuyền bến khác hoặc đã rời khỏi quê hương, tìm đời sống mới.

image

Nghe nói hậu quả của thảm cảnh hành hạ tù đầy này đã được một số  lãnh đạo đảng cộng sản cho là quá đáng, không nhân đạo.

II- Những khó khăn khi hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ

1- Khó khăn về ngôn ngữ, việc làm
Ngôn ngữ xứ người là bước cản trở lớn nhất cho người tị nạn, từ kiếm việc tới mọi giao dịch. Đã có nhiều giai thoại tức cười cũng như đáng buồn xẩy ra vì sự không diễn tả được ý nghĩ bằng ngôn ngữ địa phương mới tới.

image

Vốn được đào tạo trong nền văn hóa Pháp rồi chuyển sang chương trình tiếng Việt, nên nhiều người chỉ có một vốn liếng rất giới hạn về Anh Ngữ. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc đối thoại với người bảo trợ, với hàng xóm mới, khi đi tìm xin việc cũng như giao tế hàng ngày. Chỉ vì không biết tiếng Anh. Mà Anh ngữ là chiếc chìa khóa vạn năng giúp di dân hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh chóng hơn.

Ngoài vấn đề ngôn ngữ, đa số người tị nạn đều không có một nghề nào khả dĩ có thể dùng ngay trong xã hội mới, ngoài việc làm lao động chân tay tại các nông trại, tiệm ăn, tiệm tạp hóa... Một số theo học các lớp Anh ngữ căn bản rồi học những nghề chỉ cần huấn luyện ngắn hạn. Mục đích của họ là làm bất cứ việc gì để có thể nuôi sống gia đình, khỏi trở thành cây chùm gửi trên đất Mỹ.

image

Trong gia đình tỵ nạn Việt Nam, mọi người đều làm việc. Lợi tức thu hoạch được góp chung với nhau rồi chi tiêu dè sẻn, để dành. Cha mẹ nhiều khi làm hai, ba công việc, hết ngày lại đêm. Con cái đi học về là đi rửa chén bát, làm bồi bàn tại các tiệm ăn. Với sự lao động tối đa, chi tiêu tối thiểu, chỉ dăm năm sau là họ đã dành dụm được một số vốn đủ để mua nhà hoặc mở cơ sở thương mại. Họ đã nghiêm chỉnh áp dụng câu ngạn ngữ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vào đời sống thực tiễn ở miền đất mà khi đó họ coi chỉ là tạm cư. Họ vẫn nghĩ đến một ngày có thể trở về quê hương trong hoàn cảnh thuận tiện, tự do, dân chủ.

image

2- Khó khăn trong đời sống mới:
Vào một xã hội hoàn toàn xa lạ, từ cách ăn uống, khí hậu, địa dư, đối xử, giao tế, sức khỏe, dịch vụ y tế, cho nên người tỵ nạn hoàn toàn lạc lõng. Chính quyền Mỹ, các cơ quan thiện nguyện đã phải kiên nhẫn lắm mới giúp họ làm quen với nếp sống này. Họ cố gắng hội nhập, đôi khi hầu như phải cắn răng nhẫn nhục, vì đâu đây vẫn phảng phất một phân biệt, một cái nhìn khác lạ tới mầu da của con người. Nhiều di dân đến trước đã có cảm nghĩ là Tượng Thần Tự Do quay mặt về Âu châu và xoay lưng về phía Á Châu, ám chỉ sự kỳ thị với người Mỹ gốc Á. Mỹ Trắng thì gọi là dân Mỹ, Mỹ Phi Châu gọi là Mỹ đen, còn các sắc dân khác thì là “công dân hạng hai”. 


3- Khó khăn trong nếp sống gia đình
Đa số gia đình Việt nam vẫn còn giữ được truyền thống tốt đẹp cũ. Tuy nhiên vài vấn vấn đề đã được nêu ra ở một số không nhỏ gia đình.
Khi hội nhập vào nước Mỹ, người Việt bị đặt vào môi trường trong đó họ phải đối diện với hai nền văn hóa khác biệt: Hoa kỳ với khuynh hướng tự do, cởi mở giữa con cái với cha mẹ; còn truyền thống Việt Nam thì dành cho cha mẹ quyền uy tối thượng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.

image

Trẻ con dù sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, chơi với bạn Mỹ, giáo dục theo lối Mỹ, yêu thích tự do nên đã mau chóng sống với nếp sống mới. Còn một số các bậc làm cha mẹ thì vẫn giữ quan niệm xưa, luôn luôn cho mình là đúng, rồi ra lệnh và sắp đặt. Cho nên sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ là điều không thể nào tránh được, nếu không có sự tương nhượng, thông cảm.

Đã có trường hợp con cái kêu cảnh sát can thiệp vì cho là bị cha mẹ lạm dụng, hành hạ; những cảnh con cái bỏ cha mẹ vào nhà người già. Lại cũng có trường hợp, cha mẹ hy sinh vốn liếng, tài sản để các con vượt biên, đến các nước tự do. Sau vài năm, con cái làm ăn khá vững vàng bèn bảo lãnh cha mẹ già sang với mục đích phụng dưỡng, đền ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng các cụ ở được một thời gian ngắn, niềm vui chưa trọn vẹn thì chuyện buồn đã đến nên muốn bỏ về. Lý do hoặc vì các con thay lòng đổi dạ, hoặc các cụ nhớ nhà, hoặc nghịch cảnh dâu, rể không sống chung với nhau được. Rồi lại những hôn nhân dị chủng, ly hôn ly dị của các con làm các cụ đau lòng.

image

Bình tâm mà nói, nếu nhiều người già coi đất Mỹ như đất tạm dụng, thì với giới trẻ có ý chí vươn lên, có nghị lực thắng vượt khó khăn và quyết tâm đạt đến mục tiêu đã đặt ra, nước Mỹ là mảnh đất tốt lành đã mang đến cho họ những cơ hội để phát triển khả năng. Đây là một cơ hội ít có nếu họ còn ở Việt Nam. Nước Mỹ luôn luôn tạo hoàn cảnh thuận tiện để mọi người, nhất là giới trẻ vươn lên, miễn là đừng quá biếng nhác

Rồi giữa vợ chồng với nhau, cũng có vài trục trặc đối xử. Tương quan vợ chồng bình đẳng hơn. Nhiều người nữ dễ hòa nhập nên thành công mau lẹ. Một số người nam gặp khó khăn thích ứng vì quá suy yếu trong thời gian cải tạo, quá vất vả trong những năm chiến tranh. Những so bì, bất đồng xẩy ra khiến một số gia đình đi vào tan vỡ, chia cách. 


4- Thành công hội nhập vào xã hội mới
Trong hơn một phần ba thế kỷ, hơn một triệu người Việt này đã hình thành một khối thiểu số có những sắc thái đặc biệt vừa làm phong phú và vừa thay đổi một phần nào cấu trúc căn bản của Hiệp Chủng Quốc Mỹ.

Tới Mỹ không sửa soạn với hai bàn tay trắng. Họ tức tưởi rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn trong hoang mang, vội vàng, không kịp suy nghĩ, nói chi đến sửa soạn. Họ không biết là sẽ đi đâu, không biết tương lai sẽ ra sao miễn là xa lánh hiểm họa cộng sản. Họ vào nước Mỹ đa số không nói được tiếng Anh, hầu hết không có một Mỹ kim trong túi. Họ đến từ một văn hóa với nhiều khép kín, ràng buộc vào một nếp sống phóng khoáng, tự do. Họ lạc vào rừng người có cái nhìn khác biệt về chủng tộc, giống tính. Họ chóng mặt trước sự tiến bộ, phồn thịnh của một quốc gia mới chỉ có hơn hai trăm năm lập quốc.

image
Họ khởi sự lập nghiệp từ số không, không có một nền tảng có sẵn như người Trung Hoa hoặc di dân từ các quốc gia Âu Châu tới Mỹ từ cả trăm năm trước. Ho vật lộn với nhiều khó khăn để sinh tồn, để thích nghi với nếp sống mới và để tạo dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ con cháu. Họ âm thầm làm việc, chịu đựng mọi thử thách, kỳ thị trong những năm đầu. Nếu đa số dân chúng Mỹ không muốn quay lưng trước hoàn cảnh tuyệt vọng của con dân một quốc gia đồng minh với họ trước đây, thì cũng có một thiểu số lạnh nhạt với lớp di dân này. Trong những năm đầu, họ được phân tán khắp 50 tiểu bang để sự cứu giúp được dễ dàng cũng như tránh sự tụ nhập quá đông người Việt ở một địa phương. Nhưng rồi dần dà, sau khi đã có lông có cánh, họ cũng tìm về với nhau, trong những tụ điểm thích hợp để tương trợ, dìu nhau mà đi lên. Dù sao thì “một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã”. Và “Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.

image

Với bản tính nhẫn nhục, cần cù, thực tế, dễ thích nghi, có nhiều sáng kiến nhỏ, họ đã tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Mỹ quốc. Họ đã tạo dựng nên những cơ sở kinh tế, thương mại vững chắc, củng cố và phổ biến văn hóa Việt Nam vào nền đa văn hóa địa phương. Hầu hết lớp người tỵ nạn tới Mỹ vào thập niên 70 đã ổn định đời sống mật cách thỏa đáng.

Các thế hệ Việt Nam thứ hai đã mau lẹ tiến tới để thu nhập tinh hoa kiến thức qua nền giáo dục đa diện của nước Mỹ. Họ đã có nhiều đóng góp khoa học, kỹ thuật đáng khen ngợi cũng như cung hiến cho nền hành chánh tiểu bang và liên bang nhiều chuyên gia có khả năng điều hành, lãnh đạo.

image

Chúng ta đã có những đại diện dân cử cấp liên bang cũng như tiểu bang, thành phố. Đã có người giữ chức vụ cao trong hành pháp Hoa Kỳ, những vị chánh án liên bang. Con số các khoa học gia, khoa bảng bác sĩ kỹ sư nổi danh cũng không phải là ít. Đã có người phát minh ra khí giới có thể truy tìm địch thủ dễ dàng thì cũng có những phẫu thuật gia nổi danh ghép cơ quan nội tạng, cứu nhân độ thế, những khoa học gia không gian vũ trụ, những nhà toán học trẻ tuổi Việt Nam. Bằng sáng chế khoa học của người Mỹ gốc Việt có thể nói là nhiều vô kể. Sự thành công của thế hệ này đã tạo ra nhiều ngạc nhiên cho con dân bản xứ.

5- Kết luận

image
Người Mỹ gốc Việt Nam tỵ nạn là một nhóm thiểu số có vận tốc hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ khá nhanh và rất thành công. Họ đã đóng góp nhiều cho quê hương thứ hai và trong tương lai chắc chắn sẽ dự phần quan trọng vào việc tạo dựng một Quốc Gia hùng mạnh, tự do dân chủ tại quê hương nguồn gốc Việt Nam.



Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức.
Texas-Hoa Kỳ

Nghĩa trang Biên Hòa 38 năm sau.

image

Đêm canh thức 1974
Ngày 1 tháng 11 năm 1974 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn chính phủ, các tướng lãnh lên làm lễ tưởng niệm tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Hiệp định Paris đã ký kết. Mỹ đã rút quân về. Quân Bắc Việt vẫn nằm lại miền Nam. Trận chiến dành dân lấn đất vẫn đổ máu. Nền hòa bình giả tạo đang che đậy những ngày bão nổi sắp đến.
Dù vậy toàn quốc miền Nam vẫn còn nhớ đến 16 ngàn tử sĩ nằm tại nghĩa trang Biên Hòa. Từ hôm trước, sinh viên sỹ quan quân trường Thủ Đức tham dự đêm canh thức. Trên cánh đồng mộ chí 125 mẫu bao la, một nửa đã có phiến xi măng sơn trắng. Một nửa còn đắp đất.
Hàng trăm cây đuốc thắp sáng những con đường và chung quanh nghĩa dũng đài. Hàng ngàn nén hương được cắm xuống. Chiến binh của trung đội thao diễn danh dự trong quân phục liên quân gác quanh vành khăn tang trên Nghĩa Dũng đài. Sinh viên sỹ quan chia nhau đảm trách 24 trạm gác tư thế thao diễn nghỉ. Một tiểu đoàn địa phương quân tiểu khu Biên Hòa lo an ninh vòng ngoài. Đêm canh thức hết sức vĩ đại và bi tráng. Khi tiếng kèn truy điệu nổi lên trong canh khuya. Khói hương bay tỏa lên trời và những giọt nước mắt chảy xuống trên mặt các sinh viên sỹ quan trừ bị 20 tuổi. Nếu chưa bao giờ sống trong cảnh tượng vĩ đại đó thì làm sao nói chuyện nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Sẽ không bao giờ hiểu được lúc nào là giây phút người chết và người sống gặp nhau.


image
Lễ Tưởng Niệm ngày 1-11-1974

Thùng dầu thô của ông Thiệu.
Sau 1 đêm dài gần như không ngủ, các sinh viên, binh sĩ và sỹ quan trách nhiệm từ bộ tổng tham mưu đến công binh và quân nhu bắt đầu chuẩn bị cho ngày đại lễ.
Xe của các tướng lãnh và thành viên nội các đến trước 9 giờ. Nghĩa trang hình con ong quay đầu ra xa lộ. Trên ngọn đồi nhỏ có đền liệt sĩ là đầu ong với mũi kim chạy dài ra đến tượng Thương Tiếc. Chiến binh dàn chào từ xa lộ, qua tượng chiến sĩ, cổng tam quan, đền tử sĩ cho đến nghĩa dũng đài.
10 giờ sáng trực thăng của tổng thống và chủ tịch quốc hội hạ cánh.
Sau nghi lễ khai mạc tưởng niệm và dâng hương, tổng thống Thiệu châm lửa đốt một thùng dầu thô lấy từ mỏ dầu  Bạch Hổ. Lúc đó có tin những dàn khoan dầu Hoa Hồng, Bạch Hổ và các nơi khác tại biển Đông trong vùng lãnh hải tại Việt Nam đã có dầu.
Bằng tiếng nói nghẹn ngào, tổng thống nói rằng: "Bây giờ Mỹ đã bỏ đi, chúng ta phải chiến đấu một mình.. Cầu trời giúp cho có dầu, chúng ta có phương tiện để tiếp tục cuộc chiến".

image
Tiếp theo phái đoàn chính phủ tham dự buổi thuyết trình của công binh về công tác Nghĩa dũng đài.
Phần căn bản của Kiếm đài hùng vĩ này sẽ phải hoàn tất tháng 4 -1975. Sau đó phía trong và ngoài vành khăn tang sẽ khắc hình ảnh các chiến dịch lịch sử giữ nước ngày xưa cho đến các trận Quảng Trị, Bình Long sau này.
Đại lễ khánh thành toàn diện nghĩa trang quân đội Biên Hòa dự trù sẽ tổ chức ngày 19 tháng 6 năm 1975.

image
Ngày đó không bao giờ tới.
Nhưng riêng ngày 1 tháng 11 năm 1974 thì các phu nhân và các nữ quân nhân thay nhau thắp nhang trên những ngôi mộ.
Đó là ngày đại lễ tưởng niệm cuối cùng của 16 ngàn tử sĩ nằm tại nghĩa trang Biên hòa.
image
Những nén hương lịch sử
Đầu tháng 4, 1975 phái đoàn quốc hội Hoa kỳ qua thăm Việt Nam để ước lượng tình hình lần cuối.
Bộ tổng tham mưu VNCH đem vũ khí tối tân chiến lợi phẩm của cộng sản ra trưng bày. Chuẩn bị buổi thuyết trình qua đề tài yêu cầu quân viện. Đoàn xe của dân biểu Mỹ chạy ngang qua nhưng không ghé lại theo chương trình. Phái đoàn Mỹ cũng chạy ngang qua nghĩa trang Biên Hòa nhưng chẳng ai quan tâm hỏi han. Lên bộ tư lệnh quân đoàn III để hỏi tin tức chiến trường. Họ có ý lấy thành tích ra tận mặt trận nghe tiếng pháo của Bắc quân. Không kèn, không trống rồi các ông bà dân biểu về Mỹ, đó là lần sau cùng lập pháp Hoa Kỳ quay lưng lại Việt Nam.
Nhưng có 1 người dừng lại.
image
Đại tướng Frederick C. Weyand

Đại tướng Frederick C. Weyand, nguyên tư lệnh quân lực Mỹ cuối cùng tại Việt Nam lúc đó là tham mưu trưởng lục quân. Ông được tổng thống Mỹ ủy nhiệm qua Việt Nam lượng định tình hình quân sự vào giờ chót. Trên đường thăm quân đoàn III, trực thăng của đại tướng đã bất ngờ đáp xuống nghĩa trang Biên Hòa. Cuộc viếng thăm hoàn toàn ngoài chương trình. Toàn thể liên đội chung sự lúc đó chỉ có 1 chuẩn úy Thủ Đức mới ra trường là sĩ quan trực.


image
Là giáo sư bị động viên, anh sĩ quan có đủ chữ nghĩa để hướng dẫn ông đại tướng từ Ngũ Giác Đài và phái đoàn đến thăm. Mộ sơn trắng là tử sĩ chết từ 1968. Mộ đắp đất có bia là chết từ 72, 73. Mộ chưa có bia là vừa hy sinh trong tháng qua. Mộ có cắm cờ là mới đem về. Thi hài các chiến binh Xuân Lộc thuộc sư đoàn 18 còn nằm trong nhà xác.


image
Ông tướng hỏi tổng số bao nhiêu mộ. Thưa hơn 16 ngàn. Tiếp theo, anh chuẩn úy đã theo đúng nguyên tắc nên chỉ dẫn cho đại tướng làm theo thủ tục. Đưa đại tướng ra phần mộ chiến sĩ vô danh. Đưa hương cho ông tướng tưởng niệm. Đại tướng làm đúng theo lời hướng dẫn. Ông chắp tay rồi quỳ gối trước phần mộ và cắm hương. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn III đứng yên lặng phía sau.


image
Đại Tướng Weyand thắp hương trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh

Đại tướng Weyand đã làm một cử chỉ đẹp nhất của người chiến binh Hoa Kỳ đối với tử sĩ Việt Nam vào ngày giờ sau cùng. Bắt tay anh chuẩn úy bằng cả 2 tay, đại tướng từ giã nghĩa trang quân đội VNCH. Anh phóng viên của AP chụp hình, nhiếp ảnh gia của Stars and Tripes đi theo đã quay được những thước phim vô cùng xúc động.

image
Đại tướng về Mỹ báo cáo tình hình cho tổng thống. Dù biết rằng bất khả nhưng ông vẫn ghi rằng muốn chặn đứng Bắc quân cần có ngay lời tuyên bố quyết liệt của Hoa Kỳ và B52. Nhưng chuyện nghĩa trang Biên Hòa ông giữ cho riêng ông. Lúc còn tại chức ở Việt Nam, tướng Weyand luôn luôn tin tưởng rằng nếu được yểm trợ đầy đủ về tinh thần và vật chất, QLVNCH sẽ chiến thắng. Chuyến đi Việt Nam lần cuối vào tháng 4-75, ông tướng thấy lòng tan nát. Ông đã mất tháng 2-2010, thọ 93 tuổi. Mong rằng sau này có người chiến binh Cộng Hòa ghé lại nghĩa trang quốc gia vùng Thái Bình Dương tại Honolulu, tìm mộ đại tướng và thắp một nén hương.


image
Nghĩa Trang Quốc Gia Honolulu

Những nén hương sau 75.
image
Cuối tháng 4-75 cơn hồng thủy ập đến, chẳng còn ai quan tâm đến nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa. Đơn vị công binh phụ trách công trường nghĩa dũng đài vẫn tiếp tục công tác. Những tấm ciment cuối cùng đã đổ xong và kéo lên đỉnh ngọn kiếm. Anh lính công binh đứng trên đỉnh kiếm của Nghĩa dũng đài ngó về Saigon thấy trực thăng Mỹ lần lượt bốc người đi. Ngó ra xa lộ thấy quân dân từ Long Khánh tất tả rút về.

image
Bên dưới liên đội chung sự tràn ngập xác đưa về bằng các loại phương tiện. Cả dân lẫn quân, tất cả các binh chủng. Nhiều gia đình có thân nhân tự lo tẩm liệm, nhận quan tài và đào huyệt chôn cất lấy. Chiều 30 tháng tư qua ngày 1 tháng 5-1975 hàng trăm xác còn lại đã được chôn tập thể. Không còn nén hương nào dành cho người nằm dưới lòng đất quê hương. Phải đến đầu thập niên 80 các gia đình tại Việt Nam mới tìm lên thăm mộ. Có nhà cải táng về quê, có gia đình tu sửa tại chỗ.

image
Năm 1985 anh em tù “tập trung cải tạo” được tự do mới trở về thăm chiến hữu. Năm 1990 hải ngoại bắt đầu nhớ tới nghĩa trang Biên Hòa. Đại tá Lê Đình Luân luẩn quẩn trên nghĩa trang mấy ngày trước khi HO qua Mỹ. Ông làm báo cáo nhưng không biết gửi cho ai. Thượng sĩ Trần Văn Tảo đại diện anh em thương binh Biệt Khu thủ đô bắt đầu những lần tảo mộ có quay phim chụp hình. Những chuyến viếng thăm đầy nước mắt, những nén hương tình nghĩa đã thắp lên. Những cô con gái của quốc gia nghĩa tử đã họp đoàn thăm mộ cha anh. Những nén hương cắm xuống đôi khi còn kèm theo một điếu thuốc lá với rất nhiều nước mắt.
          
Những nén hương thời sự.


image
Trong suốt 38 năm qua nghĩa trang Biên Hòa đã trải qua những giai đoạn hết sức đau thương nhưng đặc biệt là vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Mười năm đầu nghĩa trang bị tàn phá, phế bỏ và xâm lấn chung quanh trên các phần đất chưa có mộ và người ta vô tình chiếm dụng cả những nơi nhiều xác vô danh chôn tập thể bên dưới. Một đơn vị huấn luyện tân binh trồng cây và xây tường chung quanh để làm nơi tập lính. Vẫn còn có tử sĩ và mồ tập thể bên ngoài bức tường. Khi đơn vị rút đi, nghĩa trang được giao cho dân sự với tên mới là Bình An. Tuy gọi là nghĩa địa nhân dân nhưng thực sự không có dân sự nào được chôn tại đây. Các công trình chung xuống cấp, hư hỏng và hoang phế. Đồng hương và chiến hữu về tảo mộ chui nên làm được đến đâu hay đến đó. Chính quyền địa phương quản trị nghĩa trang không có lệnh chính thức từ trung ương nên quyết định rất tùy tiện.
image
Cho đến cuối tháng 2 vừa qua, những hình ảnh phổ biến đã cho những tin tức mới về một nghĩa trang xưa đầy kỷ niệm.
Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao của chính quyền cộng sản Việt Nam lên thăm nghĩa trang Biên Hòa. Phái đoàn thắp hương khấn vái. Nén hương của thứ trưởng là nén hương chính trị. Ai cũng biết rõ như thế. Nhưng sự hiện diện của nhân vật cao cấp cộng sản là một thứ chỉ thị bất thành văn cho chính quyền địa phương. Dù bất cứ dưới danh nghĩa gì thì chúng ta cũng có thể hy vọng sự tồn tại của nghĩa trang Biên Hòa. Và sẽ dễ dàng cho việc tu bổ dù là khiêm nhượng cho cả một công trình vĩ đại trước 1975. Cụ thể nhất là dọn sạch nghĩa dũng đài và đưa mộ tập thể dưới lòng đất vào bên trong. Một tuần sau, thiếu tá QLVNCH Nguyễn Đạc Thành lại hướng dẫn ông lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon lên thăm nghĩa trang cùng với viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng lại thắp hương khấn vái. Nén hương của ông lãnh sự là nén hương ngoại giao. Nhưng ông là người Mỹ gốc Việt nên mùi nhang khói có tình quê hương. Điều quan trọng trên hết là sự hiện diện của ông mang dấu ấn của Hoa Kỳ. Trước sau chỉ có nén hương của Nguyễn Đạc Thành là có tình chiến hữu.
Mục tiêu đơn giản
image
Năm 1975 chúng ta mất cả miền Nam. 50 thành phố, thủ đô Saigon, bộ tổng tham mưu và dinh tổng thống. Riêng nghĩa trang quân đội dường như 16 ngàn chiến hữu vẫn nằm yên dưới lòng đất. Các công trình kiến trúc tuy hoang phế và chịu đầy thương tích nhưng vẫn còn đó.
Bây giờ 38 năm sau, ông cựu thiếu tá thiết giáp QLVNCH 72 tuổi, quê Bến Tre, nguyên chỉ huy trưởng trung tâm hành quân tiểu khu Châu Đốc, tóc bạc, quần áo chững chạc, phong thái điềm đạm lại là người dướng dẫn cho các viên chức cao cấp cộng sản Việt Nam và tư bản Hoa Kỳ viếng thăm nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa. Chúng ta không thể có được hình ảnh như vậy từ 10, 20 hay 30 năm trước.
image
Khỏi phải đoán già đoán non, chẳng phải nghe cộng sản nói hay nhìn cộng sản làm. Ai cũng biết với Hà Nội đây là thủ đoạn chính trị. Cộng sản bày tỏ tinh thần hòa giải muộn màng qua hình ảnh nghĩa trang. Phía Hoa Kỳ dù có thiện chí nhân đạo nhưng cũng có nhu cầu ngoại giao. Phía chúng ta đơn thuần là tình chiến hữu. Ông già Bến Tre Nguyễn Đạc Thành chỉ có mục đích lo cho xác anh em, lo chỗ anh em ta nằm được sạch sẽ. Tìm cách đưa anh em dưới mộ tập thể vùi dập bên ngoài vào bên trong gần kề các chiến hữu. Ngày xưa đất nghĩa trang trên 120 mẫu, 16 ngàn tử sĩ an táng trên lưng con ong theo vòng cung từ tâm điểm Nghĩa dũng Đài ra phía ngoài. Năm 75 quân dân chánh phe cộng sản mặc sức chiếm ngụ chung quanh phần đất chưa xử dụng. Nhìn vào bản đồ không ảnh, ta thấy việc chiếm đóng vô tội vạ lấn cả vào khu có mộ chính thức cũng như khu mồ tập thể. Bức tường xây quanh hiện chỉ còn 60 mẫu. Biết rõ chuyện xẩy ra như thế, không tìm cách cấp cứu, các công trình xây cất quy mô bên ngoài sẽ đè lên xương cốt chiến hữu, làm ngơ sao đành?
Chuyện tao, tao tính.
image
Ở San Jose có một góa phụ của tù cải tạo, quê Cần Thơ.  Bà tả lại chuyện ra Bắc thăm chồng. Dẫn các con nhỏ dưới trời mưa tầm tã đứng bên hai bờ rào nhìn thấy chồng trong trại đau ốm gần chết. Cộng sản không cho thăm. Hai bên rào cùng khóc dưới trời mưa. Người tù miền Nam biết đây là lần cuối nên ra dấu cho vợ tìm đường nuôi con. Bà vợ ông trung tá vùng 4 nói rằng: Tụi cộng sản này vô nhân đạo, không có lương tri, không nói được. Việc mày mày tính, việc tao tao tính. Bà về lại Sài Gòn đóng tàu đem con vượt biển. Sau khi định cư ở Mỹ, bà trở về tìm xác chồng ở miền Bắc đem chôn tại miền Nam.
Việc mày mày tính, việc tao tao tính. Đó chính là con đường đấu tranh của chúng ta đối với chiến dịch nghĩa trang Biên Hòa.

image
Sau 38 năm tảo mộ chui, 16 ngàn chiến sĩ nằm trong lòng đất lại bị bưng bít không có khói hương tưởng niệm. Nay là lúc nghĩa trang Biên Hòa phải đưa ra ánh sáng. Giữa thanh thiên bạch nhật, hình ảnh nghĩa trang phải được thân nhân biết đến, 90 triệu dân trong nước biết đến. Đồng minh Hoa Kỳ phải biết đến. Toàn thể đồng bào hải ngoại phải biết đến. Và sau cùng chính quyền cộng sản phải biết đến.
Còn chuyện bên trong, việc mày mày tính , việc tao tao tính. Tới luôn đi bác Thành.
Câu chuyện bên lề.
image
Tôi đem chuyện nghĩa trang Biên Hòa nói với các chiến hữu. Bác sĩ đại tá mũ đỏ Hoàng cơ Lân từ bên Pháp qua thăm viện bào tàng ở San Jose hết sức quan tâm. Ông là người gởi cho tôi tài liệu về các nghĩa trang của nhiều phe thù nghịch sau đệ nhị thế chiến tại Âu châu. Ông nói rằng đồng hương về Việt Nam nên thăm nghĩa trang. Đó là cách giữ cho nghĩa trang tồn tại.
Nhẩy dù Bùi Đức Lạc nói rằng mũ đỏ vẫn tảo mộ hàng năm. Trung tướng Lâm quang Thi nói rằng không biết đầu đuôi ra sao mà trên nét nó chửi quá. Ông chưa cho biết ý kiến riêng.
Tôi hỏi thăm 2 chiến hữu thiết giáp. Đại tá Hà mai Việt, bạn thân từ tiểu học. Anh thành thật nói rằng bây giờ đang bỏ hết ngày giờ cuối của cuộc đời cho tác phẩm sau cùng viết về chuyện Việt Nam thời kỳ 50-60. Anh không tin cộng sản. Anh gián tiếp quản ngại rằng nếu tôi tham dự vào việc này có thể bị cháy.

image
Tôi thưa rằng, mình đã 80 tuổi. Cháy được sẽ thành than. Còn không thì trước sau cũng hỏa thiêu mà thôi. Nhưng thôi không chọc quê bạn Việt nữa. Để hôm nào sách hoàn tất sẽ lo cho bạn ra mắt tại San Jose, nếu chưa bị cháy.

image
Tôi lại quay sang hỏi ông thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, thủ khoa khóa Nam Định, nguyên tư lệnh sư đoàn 3 BB, gốc thiết giáp. Ông nói chuyện này cần ủng hộ. Bèn gửi cho ông 1 bản tôi lên tiếng ủng hộ thiếu tá Nguyễn Đạc Thành. Nói riêng với các bạn thân cao niên Bắc Kỳ, hình như anh em ta suy tính nhiều quá, người anh hùng đất Thăng Long ngày xưa bỗng mệt mỏi. Phen này trận nghĩa trang Biên Hòa đành phải để phe Nam Kỳ ông già Bến Tre phối hợp với ông lãnh sự Mỹ Gò Công hợp đồng tấn công cho anh em tử sĩ được nhờ.

image
Đây là đấu tranh chính trị, đây là tiếp tục cuộc chiến chứ có hòa bao giờ. Việc nó nó tính, việc mình mình tính. Bà quả phụ Cần Thơ đã nói thế. Bà quả phụ Sa Đéc, Khúc Minh Thơ khi gặp phe cộng sản tại Nữu Ước cũng nghĩ như thế. Chị em chúng tôi mà ngồi chờ các ông cứ mãi mãi can trường trong chiến bại thì bao giờ mới có HO.

image
Vào đất địch lo chuyện chung sự cho chiến hữu là chuyện khó nhất. Cộng sản nó đứng chình ình khắp nơi không đánh, các bạn trẻ cứ quân ta mà dã, các cậu làm cho các bạn tôi đọc bài chửi bới mất mẹ nó tinh thần.

image
Tới luôn đi bác Thành. Năm 20 tuổi không sợ. Vì không thấy quan tài không đổ lệ. Trên 70 tuổi, điếc không sợ súng. Còn gì nữa đâu mà quản ngại. Hãy nhớ rằng anh có hàng trăm tử sĩ đã được bốc mộ luôn luôn phù hộ. Và 16 ngàn chiến binh các quân binh chủng nằm chờ. Đã bắt đầu mà không đi tới, sau này ở quân khu chín suối, gặp lại anh em, biết ăn nói làm sao.
image
Tới luôn đi bác Thành.



BMH
Washington, DC

Phó Thủ Tướng Đức: Philipp Roesler


image

Philipp Roesler 38 tuổi, sinh tại Khánh Hưng (tỉnh Ba Xuyên - nay là Sóc Trăng). Khi được 9 tháng tuổi, cậu bé mồ côi người Việt này được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và đưa sang Đức. Năm 4 tuổi, bố mẹ nuôi của ông ly dị và ông được cha là một sĩ quan quân đội nuôi dưỡng. Ông kết hôn với vợ là Wiebke là bác sĩ, 31 tuổi và có hai con gái Grietje và Gesche, sinh đôi vào năm 2008.

Philipp Roesler đã trở thành người gốc Việt thành đạt nhất thế giới khi nắm giữ cương vị Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đảng trong liên minh cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel.
Năm 2000, Rösler trở thành thư ký của FDP tại tiểu bang Niedersachsen.
Tháng 4 năm 2008, Rösler chính thức trở thành chủ tịch FDP tại Niedersachsen.
Tháng 6.2007, tại hội nghị bên liên bang đảng FDP, Rösler được tái bầu làm thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 8.10.2009, ông trở thành Bộ trưởng liên bang trẻ nhất nước Đức và cũng như là người gốc Việt đầu tiên làm bộ trưởng tại một quốc gia Châu Âu.
Ngày 13.5.2011, ông Philipp Rösler đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (FDP) đồng thời giữ chức Phó thủ tướng của đất nước này.

James H. Nguyễn – Thần đồng y khoa gốc Việt

image
James H. Nguyễn, 28 tuổi đã được nhận giải thưởng cao quý năm 2011 dành cho các cựu học sinh xuất sắc do Liên đoàn Các trường Cao đẳng Cộng đồng của tiểu bang California, Hoa Kỳ ngày 19/11, hiện đang là bác sĩ chuyên khoa tim tại bệnh viện University Medical Center (UMC). Mới đây, anh đã được khắc tên vào Bảng Vàng Danh dự Đại Học Santa Ana năm 2011.
H. Nguyễn đã tốt nghiệp hạng danh dự với bằng cao đẳng môn sinh vật học năm 1998 khi chỉ mới 14 tuổi.

Năm 2009, bác sĩ gốc Việt này vượt qua 420 thuyết trình viên đến từ những bệnh viện hàng đầu của Mỹ để giành quán quân với nghiên cứu so sánh phương pháp chụp quang tuyến đa chiều.
Được biết, gia đình James H. Nguyễn định cư tại thành phố Garden Grove (Mỹ) vào giữa thập kỷ 1970.
Anh từng theo học chương trình bác sĩ nội trú kéo dài 3 năm tại Khoa Nội (Department of Internal Medicine) thuộc bệnh viện Orlando Regional Medical Center.


GS Nguyễn Hùng tranh giải 'Người Australia của năm 2012'

image
Ngày 20.5 vừa qua, nhà phát minh nổi tiếng người Úc gốc Việt, GS.TS Nguyễn Hùng vừa được chọn làm nhân vật đại diện cho tiểu bang New South Wales tranh giải "Người Australia của năm 2012”. Theo nguồn tin từ báo chí Úc, việc công bố kết quả chính thức cho danh hiệu này sẽ diễn ra vào ngày 26.1.2012.
GS.TS Nguyễn Hùng hiện đang cư trú ở Castle Hill, và là Phó trưởng khoa Kỹ thuật & Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ Sydney (gọi tắt UTS)

20 năm qua, ông được mệnh danh là "Thầy của những phát minh” vì đã có khá nhiều sáng chế về y khoa hết sức hữu ích, tiện dụng cho các bệnh nhân.
Ông có rất nhiều phát minh, sáng chế khác đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trở thành những ứng dụng mới trong xã hội như: thiết bị phát hiện sớm ung thư vú, thiết bị giúp con người điều khiển các thiết bị điện tử bằng các tín hiệu của bộ não...

Tuy nhiên, đỉnh cao nhất trong các phát minh của ông Nguyễn Hùng là xe lăn thông minh, tạo ra cuộc cách mạng trong sinh hoạt của những người bị liệt. Nó có chức năng như một robot tự động kết hợp với điều khiển bằng ý nghĩ con người.
Tạp chí Anthill của Australia đã từng xếp phát minh này vào hạng ba trong số 100 phát minh hàng đầu của nước này.


GS Trịnh Xuân Thuận nhận giải Kalinga của UNESCO

image
Ngày 5.11.2011, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã trao giải thưởng Kalinga cho giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc tại Diễn đàn khoa học thế giới ở thủ đô Budapest của Hungary. Kalinga là giải thưởng thường niên dành cho những người có công phổ biến kiến thức khoa học tới công chúng.

UNESCO đánh giá: "Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, người từng phát hiện thiên hà trẻ nhất vào năm 2004. Ông đã viết hơn 200 bài báo khoa học về các thiên hà và xuất bản nhiều cuốn sách. Trong số những tác phẩm của ông có một cuốn sách minh họa lịch sử của Vụ nổ lớn (Big Bang) khai sinh ra vũ trụ".

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông có sở thích về nghiên cứu thiên văn khi còn nhỏ. Năm 1967 đến 1970, ông học tại Viện Công nghệ California; năm 1970 đến 1974, học ở Đại học Princeton. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton và giảng dạy vật lý thiên văn tại Đại học Virginia từ năm 1976 tới nay.
Ông cũng từng làm việc cho Viện Vật lý thiên văn Paris và là một trong những người sáng lập Hiệp hội Khoa học và Tôn giáo quốc tế.

Nguyễn Tường Khang 12 tuổi được mời thỉnh giảng tại trường đại học

image
Nguyễn Tường Khang và ban giám khảo tại cuộc thi thuyết trình hồi năm 2010
Cậu bé gốc Việt Nguyễn Tường Khang, 12 tuổi, vừa được trường đại học ở bang Virginia mời làm giáo viên thỉnh giảng, thuyết giảng môn thuyết trình mỗi tuần 4 giờ. Được biết, mỗi giờ thuyết giảng, Khang được trả 250 USD (khoảng 5 triệu VNĐ). Thông tin về thần đồng nhí gốc Việt này lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các website thế giới.

Nguyễn Tường Khang sinh ngày 31.2.1999, đang học lớp 6 trường tiểu học Hunters Woods ở Fairfax. Cậu bé khi mới 8 tuổi đã được bố cho học về diễn thuyết trước công chúng tại Câu lạc bộ diễn giả trẻ (YSC).

Tại cuộc thi tài năng diễn thuyết tổ chức vào năm 2010 với chủ đề giáo dục dành cho lứa tuổi từ 11 đến 19, do Hiệp hội Thăng tiến cho Người da màu bảo trợ và được tổ chức tại thành phố Suffolk (Virginia), Nguyễn Tường Khang đã giành chiến thắng với bài thuyết trình “Hòa bình có ý nghĩa thế nào với tôi”.

Tuy nhiên cậu bé lại nổi danh nhất với bài hùng biện về giáo dục. Những ý tưởng của Tường Khang được coi là đánh giá bổ sung vào bài phát biểu về giáo dục của Tổng thống Obama, đồng thời truyền đạt cho các bậc phụ huynh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục.
Bên cạnh việc học hùng biện, thần đồng 12 tuổi này còn biết chơi đàn violon, cờ vua và đặc biệt rất giỏi võ.


Dzung T. Bui: Người Việt thành công nhất tại tập đoàn IBM

image
Ông Dzung T. Bùi (Bùi Tiến Dũng) hiện là Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu và là người Việt thành công nhất tại tập đoàn máy tính IBM.

IBM (International Business Machines) là một trong những tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia lớn nhất thế giới có trụ sở tại Armonk, New York (Mỹ) với hơn 350.000 nhân viên phủ rộng tại 170 quốc gia trên thế giới.
Bùi Tiến Dũng sinh ra tại làng Trình Phố, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Khi lớn lên, ông theo cha mẹ vào sống ở TP SàiGòn.Năm 17 tuổi, Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học và không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực.

Bản thân ông Dũng và các thành viên trong gia đình ông tuy xa quê hương đã lâu, nhưng vẫn luôn nhớ về cội nguồn của mình bằng cách duy trì nếp sống truyền thống của người Việt Nam như sinh hoạt ngày ba bữa cơm, không ăn thức ăn nhanh, không ăn bánh mì, trừ những dịp đặc biệt nào đó phải ra ngoài dùng bữa.

Ngày Tết cũng có bánh chưng xanh, những món ăn cổ truyền. Ông dẫn các con đi xông đất, mừng tuổi ông bà, người thân, lên chùa thắp hương. Những cái giỗ ông bà, tổ tiên cũng được ông duy trì đều đặn.

Jacquelyn Ngô – họa sĩ nhí thiên tài

image
Cô bé Jacquelyn Ngô người Australia gốc Việt 6 tuổi, được thế giới biết đến là một thần đồng và là niềm hy vọng của thế giới hội họa, sau khi trổ tài trước báo giới trong gần 3 giờ.
Bé Jacquelyn Ngô đã bộc lộ năng khiếu hội họa từ khi mới 3 tuổi. Chỉ 3 năm sau, những bức tranh của Jacquelyn Ngô đã làm kinh ngạc giới hội họa bởi màu sắc và cái hồn trong những bức họa của cô bé.

Cũng như những đứa trẻ khác, Jacquelyn thích vẽ người, động vật và phong cảnh. Những tác phẩm được thực hiện với cái nhìn trực tiếp, hồn nhiên về cuộc sống như mở ra trong tâm trí người xem một thế giới tưởng tượng đầy ngọt ngào và bay bổng của trẻ em.
Đặc biệt, qua nhiều bức vẽ, Jacquelyn đã thể hiện sống động những hình ảnh của Việt Nam qua những tà áo dài, nhạc cụ truyền thống của dân tộc…
Jacquelyn Ngô thổ lộ, Vincent van Gogh là họa sĩ mà cô bé yêu thích nhất. Và bức tranh mà cô bé cảm thấy ấn tượng nhất là bức Hoa hướng dương cùng bức Phòng ngủ ở Arcles của danh họa Hà Lan này.

Điều đặc biệt là, Jacquelyn không đồng ý bán bất kỳ bức vẽ nào của mình, mặc dù được trả giá rất cao. Mẹ bé cho biết, cô bé rất yêu những bức vẽ của mình và muốn giữ nó làm kỷ niệm.
Tài năng của cô bé gốc Việt đã được công nhận qua những cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Liverpool và Sydney. Sau thành công ban đầu của Jacquelyn, các nhà mỹ thuật quốc tế đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những bước đi tiếp theo của thần đồng hội họa nhí gốc Việt này.
Nhiều chuyên gia tin rằng, trong tương lai, Jacquelyn có thể sẽ đoạt các giải thưởng hội họa lớn Archibald hay Moran của Úc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama

image
Ngày 7.10 vừa qua, Tổng thống Brack Obama đã chính thức bổ nhiệm tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng là một người Mỹ gốc Việt vào làm thành viên Ủy ban Cố vấn Tổng thống về Người Mỹ gốc Châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Tùng hiện đang giữ chức Giám đốc Dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng người Việt và là Điều tra viên hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư cho cộng đồng người Mỹ gốc Á tại UCSF.
Ông cũng đang là Chủ tịch hội tình nguyện người Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội ung thư Mỹ tại California.

Năm 2002, ông được trao giải thưởng Kiềm chế Phát triển bệnh ung thư của tổ chức American Cancer Society vì thành tích xuất sắc về điều trị và nghiên cứu của ông.
Nguyễn Thanh Tùng từng theo học tại trường trung học San Jose, năm 1982, tốt nghiệp thủ khoa với học bổng toàn phần của đại học Harvard.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Triết học tại Harvard, Nguyễn Thanh Tùng theo học ngành Y khoa tại đại học Stanford. Đỗ bằng bác sĩ, ông đã được đại học UC San Francisco mời làm chuyên gia nghiên cứu, điều trị và giảng dạy.
Được biết, vợ của bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng là bà Cao Lệ Huyền - một bác sĩ chuyên môn về bệnh truyền nhiễm. Gia đình bác sĩ Tùng có hai con trai và một con gái.



TT sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét