Cú lừa iPhone 4S tinh vi của bà bán vé số
“Người đàn ông liên tục gọi đến với giọng nói vô cùng thảm thiết mong được chuộc lại chiếc điện thoại. Vốn tính thương người, nên tôi đã đưa cho bà bán vé số 1,5 triệu đồng để giữ lại điện thoại”.
Khoảng 11h trưa ngày 17/8, một phụ nữ bán vé số khoảng 55 tuổi bước vào sân nhà tôi. Vừa bước vào, bà ấy rút ra chiếc điện thoại iPhone 4S và nhờ tắt nguồn giùm với lý do có người gọi đến liên tục nên rất phiền, mà bà không biết cách xử lý như thế nào.
Thấy điều gì đó khác thường, suy đoán mách bảo tôi rằng điện thoại không phải của người phụ nữ này, có thể do trộm hay nhặt được ở đâu đó. Vừa cầm điện thoại trên tay thì có một người đàn ông gọi đến, giọng nói có vẻ hoảng hốt vì bị mất điện thoại. Ông nói điện thoại này là của ông, rất muốn được chuộc lại.
Lần đầu tiên nghe máy, tôi không tin tưởng lắm vào câu chuyện mà ông ấy nói ra. Thế nhưng ông ấy liên tục gọi đến với một giọng nói vô cùng thảm thiết với mong muốn được chuộc lại điện thoại vì điện thoại có nhiều thứ quan trọng. Ông ấy nhờ tôi chuộc giùm điện thoại với số tiền 1,5 triệu đồng và khoảng 2h chiều ông sẽ đến nhà tôi đưa tiền để lấy lại máy.
Lúc này, vẻ mặt của người phụ nữ kia trở nên lo lắng và sợ sệt. Muốn tìm hiểu rõ hơn về chiếc điện thoại, gia đình tôi gặng hỏi mãi thì mới biết bà ta nhặt được ở cây xăng (cách nhà tôi khoảng 3 cây số). Đúng là quãng đường từ cây xăng đó đến nhà tôi rất thưa thớt dân cư với rừng cao su trải dài, nên tôi nghĩ đúng là không có ai mà bà ta có thể nhờ tắt giúp điện thoại được.
Vốn tính thương người, lại thấy người đàn ông bị mất điện thoại giá trị lớn thật tội nghiệp, nên tôi đã quyết định đưa cho bà bán vé số 1,5 triệu đồng để giữ lại điện thoại.
Tưởng như đã làm được một việc tốt, thế nhưng mãi đến 3h chiều không thấy ai tới để chuộc lại, tôi mới biết là mình bị lừa, một cú lừa trắng trợn và ngoạn mục bằng chiếc iPhone giả.
Qua câu chuyện này, tôi mới thấy thủ đoạn của họ thật tinh vi, được dàn dựng quá logic, và đánh động vào lòng người. Tôi viết bài này để chia sẻ tâm trạng của mình và để mọi người có thể cảnh giác hơn với những người lạ.
Không phải ai cũng xấu cả, nhưng phải có sự phòng vệ cẩn thận để không tiền mất, tật mang và lòng tin bị phá vỡ.
Chơi Đà Lạt bị cú lừa dâu tây 'ngoạn mục'
Cả đoàn chúng tôi hăm hở tìm đến vườn dâu, nơi hứa hẹn sẽ được mua 17 kg khuyến mãi, nhưng lại nhận được món quà tặng là một "cục tức" quá to.
Cách đây ba ngày (15/7), mấy anh em chúng tôi đang nghỉ mát ở Nha Trang rủ nhau lên Đà Lạt chơi. Sau khi thăm thú hồ Than Thở (khoảng 11giờ trưa), chúng tôi được một thanh niên mời mua dâu tây ở cửa hàng của mình (cách hồ khoảng vài trăm mét).
Chúng tôi đến cửa hàng mà người thanh niên ban nãy giới thiệu thì không thấy dâu tây đâu cả. Thay vào đó, nhân viên ở đây bảo chúng tôi xem qua các sản phẩm của cửa hàng rồi sẽ dẫn chúng tôi ra tận vườn để hái dâu.
Sau khi chúng tôi mua nước ép dâu tây, chanh dây và vài chai rượu vang Đà Lạt, nhân viên cửa hàng đưa cho chúng tôi danh thiếp của một nhà vườn. Trên đó có ghi cả biển số xe của đoàn chúng tôi và 17 kg dâu tây mà chúng tôi được khuyến mãi khi mua hàng tại đây.
Mặc dù cả đoàn đều lần đầu tiên đến Đà Lạt và còn nhiều điểm cần đến để thăm thú như Thác Prenn, đồi thông Hai Mộ, hồ Xuân Hương, Thiền viện Trúc Lâm... và phải trở lại Nha Trang ngay trong ngày, nhưng anh em trong đoàn vẫn thấy rất phấn khích và quyết định đi tìm vườn này.
Loanh quanh ở trong nội đô Đà Lạt cả nửa tiếng đồng hồ và một tiếng đồng hồ vừa đi vừa hỏi cuối cùng cả đoàn cũng đến được trang trại ở phường 7, thành phố Đà Lạt vào khoảng 12giờ30.
Sau nhấp chén chè của chủ nhân, chúng tôi trình bày sự việc và đưa danh thiếp của cửa hàng ban nãy ra thì nhận được câu trả lời là giữa trang trại và cửa hàng chẳng có quan hệ gì. Thế là từ chỗ phấn khích anh em trong đoàn chuyển ngay sang tâm trạng bức xúc cực độ, phần vì vừa nóng bức, vừa mệt sau chặng đường dài lại bị lừa một cách trắng trợn.
Mặc dù đang rất đói nhưng khi nhận được món quà tặng là một "cục tức" quá to thì ai trong đoàn chúng tôi cũng rất khó chịu. Thôi thì chẳng có quà khuyến mãi thì cũng nên mua vài cân dâu tây để khi về Nha Trang có quà cho mọi người. Thế nhưng sau khi ngỏ lời mua thì chúng tôi lại nhận được câu trả lời là nếu mua hàng (vẫn nước ép dâu tây, chanh dây, mứt, rượu...) thì mới bán dâu tây.
Không dám trách ai, chúng tôi chỉ biết than cho chuyến thăm thú Đà Lạt mang đầy tâm trạng "hỉ, nộ". Thành phố du lịch đẹp thật nhưng từ giờ cho đến cuối đời ai quên được cảm giác này?
Cú lừa 95 triệu của 'nhân viên ngân hàng'
Cô ấy bảo tôi ra ngoài mua 5 thẻ cào điện thoại trị giá 100.000 đồng/cái hoặc một thẻ cào trị giá 500.000 đồng, rồi gửi mã số đến cho cô ta để lấy mã nhận thưởng một xe Air Blade và 50 triệu tiền mặt.
Sáng 26/7, tôi nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Một cô gái xưng là nhân viên của một ngân hàng gửi lời chúc mừng tôi là một trong 10 người may mắn trúng thưởng một chiếc xe máy Air Blade (45 triệu đồng) và phiếu tiền mặt trị giá 50 triệu đồng của ngân hàng.
Sau đó cô ấy hỏi xin địa chỉ, ngày sinh và số chứng minh thư của tôi. Tôi cũng chỉ trả lời qua loa, còn số chứng minh thư thì tôi nói là không nhớ số. Vậy là cô ta bảo tôi photo chứng minh thư và sổ hộ khẩu để nhân viên ngân hàng làm thủ tục tặng quà giao trực tiếp tại nhà cho tôi.
Tiếp đến cô ta bảo tôi ra ngoài mua 5 thẻ cào điện thoại trị giá 100.000 đồng/cái hoặc một thẻ cào trị giá 500.000 đồng, rồi gửi mã số đến cho cô ta để lấy mã nhận thưởng. Còn số tiền thẻ cào cô ấy sẽ trả lại cho tôi khi trao quà.
Thực ra ngay từ đầu khi nghe nói là nhân viên của ngân hàng và chúc mừng tôi là người trúng thưởng tôi đã biết là mình bị lừa rồi. Nhưng tôi vẫn nghe để xem cô ta dẫn dắt mình đi đến đâu.
Khi cô ta nói tôi đi mua thẻ cào điện thoại, tôi mới bắt đầu hỏi vặn lại: “Thế làm sao để tôi biết chị là người của ngân hàng?”. Cô ấy nói: “Chị yên tâm, em chắc chắn là người của ngân hàng mà, trong chiều nay người của bên em sẽ đến trao quà trực tiếp tại nhà chị. Nếu chị không tin thì chị có thể đến địa chỉ của ngân hàng em tại Đà Nẵng”.
Tôi phản ứng ngay: “Nhưng tôi ở Hà Nội thì làm sao vào trong đấy được mà kiểm tra”. Lúc này, cô ta không còn giữ được bình tỉnh và nói cộc lốc: “Nếu chị muốn nhận giải thưởng thì phải lấy mã số, còn nếu đồng ý nhận giải thì chương trình sẽ giành cho người khác”. Tôi thẳng luôn là “không nhận giải”. Thế là cô ta tắt máy luôn.
Sau đó, tôi gọi lại số điện thoại này thì không thấy bắt máy nữa.
Cú lừa hoàn hảo khiến cô gái đi Vespa LX sập bẫy
"Cháu đổ xăng 92 hay xăng 95?". “Cháu đổ xăng 92 ạ”, tôi vừa nói dứt câu thì chú ấy la lên: “Trời, sao xe này mà cháu lại đổ xăng 92, xăng 92 toàn là chì nên nó cháy không hết, tích tụ lại gây ma sát làm cháy cục IC của xe đó”…
Chiều ngày 16/7, tôi đi làm về qua đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) bỗng nhiên có nhiều người đi qua cứ nhìn chằm chằm vào xe tôi rồi kêu lên "xe cháy kìa", "xe khói không kìa"... Tôi ngoảnh mặt ra sau xe thì chẳng thấy khói gì nên cứ tiếp tục đi.Đi được một đoạn thì lại có một người khác đi qua nói to “xẹt lửa dưới xe kìa”. Tôi vẫn mặc kệ tiếp tục đi. Cho đến khi có một người đàn ông ăn mặc lịch sự, chạy đến gần xe tôi nói: “Con đừng chạy nữa, xe sắp cháy rồi kìa, dừng lại chú xem thử". Lúc đó tôi mới thấy sợ cháy xe và quyết định dừng lại (xe tôi chạy là Vespa LX).
Chú ấy nói là đang làm cho hãng Piaggio, nên tôi tin tưởng để chú ấy kiểm tra. Sau một phút loay hoay ở hầm sau xe, chú ấy móc ra một cục IC cháy khét lẹt và hỏi: “Cháu đổ xăng 92 hay xăng 95? “Cháu đổ xăng 92 ạ”, tôi vừa nói dứt câu thì chú la lên: “Trời, sao xe này mà cháu lại đổ xăng 92, xăng 92 toàn là chì nên nó cháy không hết, tích tụ lại gây ma sát làm cháy cục IC của xe đó”…
Tôi loay hoay không biết phải làm sao thì chú ấy trấn an: "Giờ này cửa hàng đóng cửa hết rồi, chú cho con số điện thoại của trưởng cửa hàng bên chú, con gọi chú ấy đến thay cho. Con cứ nói là cháu chú An, xe cháu hư giữa đường, cần thay cục IC của Piaggio chính hãng". Tôi nhờ chú ấy gọi dùm, năm phút sau người đàn ông kia xuất hiện với một cục IC mới.
Chú An tốt bụng nhanh nhẹn thò tay vào xe, thay thay, sửa sửa và xe tôi tiếp tục nổ máy bình thường, không có khói có lửa gì hết. Tôi hỏi chú hết bao nhiêu tiền? Chú ấy bảo hết 1.980.000 đồng. Tôi thắc mắc: “Sao giá cao vậy chú?”. Người đàn ông kia nói "Ủa giá bình thường mà con, kêu tôi cầm tới rồi chê mắc, chê rẻ".
Tôi nói: "Con không có ý đó, hiện tại con chỉ có 700 nghìn đồng ở đây thôi, chú cầm đỡ mai con mang lên cửa hàng chú". Chú ấy bảo: "Thôi thôi, làm dùm mà còn lằng nhằng quá". Tôi cảm thấy rất áy náy và nói: "Vậy thôi chú chờ cháu đi rút tiền". Người đàn ông kia tỏ vẻ khó chịu nói: "Mất thời gian quá, cô là cháu chú An thôi đưa ông An đi. Rồi mai ông An đưa tiền cho tôi cũng được”.
Thế là chú An đi với tôi đến trạm ATM lấy tiền. Tôi thấy chú tội tội, mặt hiền lành, còn giúp đỡ giữa đường nên tôi cũng đã cho chú ấy thêm 100.000 đồng. Tổng cộng mà tôi phải trả cho cục IC này là 2,080,000 đồng.
Sáng hôm nay, tôi lên công ty kể cho mọi người nghe câu chuyện này thì tôi mới phát hiện đã có ít nhất 2 người trong công ty bị tình trạng tương tự như thế. Vậy là tôi vội vã đi ra cửa hàng Vespa kiểm tra IC của xe mình.
Tôi thấy nhân viên của hãng kiểm tra ở phía trước xe, tôi liền thắc mắc: "Ủa sao anh mở phía trước xe em?". Anh nhân viên nói: "IC nằm ở trước thì mở phía trước chứ mở ở đâu". Lúc đó tôi mới ngã ngửa người ra là tối qua người đàn ông mà tôi luôn gọi là chú An “tốt bụng” kia đã cho tôi ăn một cú lừa hoàn hảo.
Anh nhân viên nói: "IC của xe em bình thường không sao đâu, cũng may nó chưa cướp xe của em luôn đấy”. Tôi nghĩ, thôi trong cái xui cũng còn chút xíu cái may là không bị chúng lừa cướp mất xe.
Đó là câu chuyện mà tôi đã gặp phải và muốn chia sẻ với mọi người biết để cùng tránh và nâng cao tinh thần cảnh giác hơn. Kẻ gian bây giờ có rất nhiều chiêu, mánh khóe khiến người đi đường sập bẫy.
10 tên côn đồ 'luộc' khách sửa xe máy trong đêm tối
Sợ thợ làm hư xe nên tôi ngồi ngay bên cạnh để quan sát họ thay săm. Nào ngờ từ đâu ùn ùn kéo tới khoảng chục thanh niên xăm trổ đầy mình, ăn nói bặm trợn. Họ vào quán và quây kín cái xe của tôi...
Khoảng 9h30 tối ngày 30/6 tôi sang viện Bạch Mai (Hà Nội) để đón bà nội. Đến ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh thì xe bị thủng săm. Thấy một quán sửa xe nằm ở gần đó còn sáng đèn nên tôi dẫn xe đến.
Vào quán, thấy thợ là 2 thanh niên trẻ, nhìn rất hiền lành nên tôi cũng yên tâm để họ kiểm tra. Được một lúc, họ bảo "săm hư không vá được vì gãy chân van". Tôi sững sờ vì săm xe vừa thay cách đây hai ngày sao lại hư được (tôi đoán chắc là thợ đã cố tình làm cho gãy chân van để ép phải thay). Thấy trời tối, lại còn phải đi đón bà nên tôi cũng tặc lưỡi để thợ thay và mất 100 nghìn đồng.
Tôi cũng biết một chút ít về xe cộ và bắt đầu cảnh giác. Sợ thợ làm hư xe nên tôi ngồi ngay bên cạnh để quan sát họ thay săm. Nào ngờ từ đâu ùn ùn kéo tới khoảng chục thanh niên xăm trổ đầy mình, ăn nói bặm trợn. Họ vào quán và quây kín cái xe của tôi.
Tôi hốt hoảng. Nhìn cảnh đó, tôi biết ngay là mình đã vào một tiệm sửa xe lừa đảo rồi. Bọn chúng chắc đã phá gì đó trên xe của tôi. Nhưng chúng quá đông và hung hãn, lại không có bằng chứng gì nên tôi đành im lặng chờ thay săm xong.
Y như rằng, lúc dắt ra thì xe máy của tôi không thể nổ được. Một người thợ lại chạy ra ngon ngọt: "Xe anh bị sao để em xem cho". Rồi anh ta bảo khéo: "Chắc xe anh hỏng IC rồi, thay 'con' mới đi". Vậy là chúng đã nhanh tay "luộc" (tráo) luôn cục IC của xe tôi.
Tôi biết thừa là bị trúng quả lừa rồi nên chả thèm hỏi giá nữa, mà giả bộ hết tiền, bảo mang xe về nhà để lúc khác tính. Đến một tiệm sửa xe gần đó hỏi tôi mới biết cái quán đó là của mấy thanh niên nghiện hút, toàn chặt chém khách hàng như vậy. Tôi hỏi mua một cục IC khác giá 170 nghìn đồng, tự tay lắp vào và chạy ngon lành.
Đúng là chẳng được việc gì, mất tiền (270.000 đồng) lại mua thêm cái bực vào người. Qua câu chuyện này, tôi muốn mọi người biết để cảnh giác. Đặc biệt khi đi qua đoạn đường này, mọi người nhớ cẩn thận, nếu xe có hư hỏng gì thì cũng đừng vào quán đó, để chúng hết đường làm ăn.
Xe máy hỏng bugi 55.000 đồng, thợ đòi tiền sửa 1 triệu
Kiểm tra lại thì ốc chỉnh gió và ốc chỉnh xăng của xe tôi đã bị siết chặt lại một cách bất thường.
>> Xe máy hết xăng bị thợ tháo tung đòi 850.000 tiền sửa
Sáng 16/6 tôi có việc đi từ Thủ Đức lên Quận 10 (TP HCM). Khi về đến ngã tư 3/2 giao với Lý Thường Kiệt thì xe đột ngột tắt máy. Ban đầu tôi ghé một chỗ sửa xe ven đường thì họ bảo là hư bu gi nhưng vì là xe mới nên tôi muốn sửa ở cửa hàng chính hãng cho yên tâm. Nghĩ thế nên tôi quyết định dắt bộ dọc theo đường Lý Thường Kiệt để tìm.
Dắt bộ một đoạn thì gặp siêu thị xe máy trên đường Lý Thường Kiệt. Nhìn quy mô cửa hàng tôi yên tâm dắt xe vào sửa. Sau khi xem xong xe, nhân viên cửa
>> Xem thêm: 300 mét hai tiệm sửa xe lừa đảo ở Hà Nội |
Biết mình không có chuyên môn nên tôi đã gọi điện cho một người bạn để tham khảo ý kiến. Bạn tôi bảo sửa xupap chỉ mất có mấy chục thôi. Sau đó tôi yêu cầu nhân viên của hàng lắp lại xe mình để tôi mang về thì họ bảo bây giờ không mang đủ tiền thì họ làm cho chạy đỡ nhưng không đảm bảo và giá thì khoảng mấy trăm nghìn. Nhưng tôi không chịu và thuê xe ôm mang xe của mình về nhà người bạn mà mình vừa hỏi ở Bến xe Miền Đông để sửa.
Khi bạn tôi xem thì phát hiện ra ốc chỉnh gió và ốc chỉnh xăng của xe tôi đã bị siết chặt lại. Sau đó tôi đi mua bugi mới hết 55 nghìn về thay thì xe nổ bình thường. Bạn tôi bảo tại ốc chỉnh xăng và chỉnh gió bị siết lại nên nếu không biết thì có thay bugi mới xe cũng không nổ được.
Qua sự việc này, tôi thực sự mất lòng tin vào cơ sở bảo trì xe máy của hãngxe trên. Hi vọng rằng, qua câu chuyện này các hãng xe máy tại Việt Nam siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhân viên ở các trạm bảo hành sửa chữa để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Đồng thời tôi cũng gửi lời cảnh báo đến mọi người, hãy thận trọng khi đi sửa chữa xe máy để khỏi bị mất tiền oan.
Thay ốc vít bị thợ phá xe máy đòi 850.000 đồng
Vặn ốc vít xong tôi hỏi hết bao tiền, anh thợ trẻ bảo cứ đi đi, không cần trả công. Tôi cảm ơn và dắt xe ra. Nhưng lạ thay tôi đề mãi không nổ, đạp cũng không được...
> 300 mét hai tiệm sửa xe lừa đảo ở Hà Nội
Thấy xe kêu ở hộp xích và nhìn thì thấy mất 1 con ốc vít nên tôi tạt vào cửa hàng sửa xe máy trên đường Đại Cồ Việt, Hà Nội. Một anh thợ trẻ tới xem xét, sau đó chạy vào lấy con ốc vặn vào hộp xích. Vặn xong tôi hỏi hết bao tiền, cậu ta bảo cứ đi đi, không cần trả công. Tôi cảm ơn và dắt xe ra.
Nhưng lạ thay tôi đề mãi không nổ, đạp cũng không được. Sẵn trong xe có bugi mới tôi lấy thay vào cũng không nổ. Thấy vậy tôi dắt xe quay lại cửa hàng nhờ xem lại, mất khoảng 2-3 phút hai người thợ sửa xe mở xe ra và lấy con IC rồi dùng đồng hồ và nối ắc quy.
Đo xong, các cậu ấy phán xe của tôi chết IC rồi. Nếu thay IC cũ là 650 ngàn còn mới là 850 ngàn đồng. Khi đó tôi biết ngay là bị lừa. Lúc vặn ốc tôi không để ý và lợi dụng sự sự sơ suất ấy, họ đã phá để xe không nổ rồi đấu điện đánh chết IC.
Tôi nói với họ là xe này tôi mượn nên phải dắt về, mai xin ý kiến chủ xe mới dám sửa. Thấy vậy mấy người sửa xe liền kêu cứ sửa đi, nếu tôi không có tiền thì để xe ở đây ai lấy mà sợ. Rồi "về lấy tiền, cần gì phải xin ý kiến chủ". Thấy tình hình không ổn, tôi một mực xin thôi nhưng chúng vẫn chèo kéo. Tôi vẫn nhất định dắt xe ra về.
Dắt được chừng 50m tôi gọi điện cho người bạn làm bên hãng Yamaha hỏi IC cho con Jupiter V chỉ có 300K thôi. Khi dắt xe về đến Trung tâm Yamaha ở Mai Hắc Đế nhờ kiểm tra và thay thế thì mấy anh kỹ thuật mới ở đây mới cho biết là ban đầu họ lắp con ốc cho mình và 1 tay kia dứt dây điện nên không nổ được. Tiếp theo là đấu sai điện và giả dùng đồng hồ đo để đánh chết IC.
Tôi xin chia sẻ với bạn đọc biết để mình chủ động hơn trong lúc gặp xe hỏng tránh bị mất tiền oan vì những thợ sửa xe lừa đảo thế này.
Chiêu moi tiền của thợ sửa xe máy
Chỉ định bơm lốp nhưng khi ra khỏi quán chủ xe có thể phải thanh toán tiền triệu khi có thêm những bệnh mới như hỏng IC, gãy trục số.
Độc giả Nguyễn Văn chia sẻ với VnExpress về một lần bã xã anh bị thủng săm khi qua ngã 5 Nguyễn Lương Bằng - Khâm Thiên - Kim Liên (Hà Nội) lúc 10 giờ đêm. Thợ kêu thay săm. Xong đâu đấy thì xe không đề, không nổ. Anh thợ bảo thay IC. Vợ anh không chịu và gọi chồng tới đón. Hôm sau mang ra hiệu gần nhà phát hiện dây điện phía sau yếm bị rút ra. Chỉ cần cắm vào là xe nổ máy như thường.
Vị trí ốc bưởng trên xe Honda Dream. |
Tiến Trung, sinh viên Đại học Bách Khoa cũng gặp tình huống tương tự. Từ việc lốp non hơi, mang vào tiệm thành nặng tới mức "gãy trục số" với cái giá 2 triệu đồng. "Sinh viên năm 2 nên mới nghe tôi chết đứng người vì trong túi chỉ còn 15.000 đồng. Gọi điện về quê cho bố, bố biết bị lừa nhưng nước xa không cứu được lửa gần, đành thuyết phục qua điện thoại cho họ 200.000 đồng", Trung chia sẻ.
Trường hợp của Trung tương tự như anh Hà Văn Kiên đã gặp khi vô tình vào bơm xe tại một quán trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội). Người sửa "tranh thủ" lúc chủ xe không để ý chỉnh lại ốc bưởng làm côn không ăn nên xe đứng im dù vào số và nổ bình thường.
Trên Quốc lộ 1 từ TP HCM đi Vũng Tàu, nhiều người gặp tình trạng xe bị cháy IC khi vào sửa, dù sự cố ban đầu chỉ là thủng săm. "Không biết họ làm thế nào mà tôi ngồi ngay cạnh quan sát nhưng cuối cùng IC vẫn cháy. Họ thay hàng Trung Quốc mà tới mấy trăm ngàn. Về thành phố tôi lại phải mua đồ chính hãng lắp vào", độc giả Minh Tâm viết cho VnExpress.
Anh Hưng, thợ sửa xe lâu năm của Head Thắng Lợi cho biết những thợ gian có rất nhiều mánh. Họ cố tình phá xe nhưng đôi khi chỉ tạo ra dấu hiệu bất thường nhằm hù dọa. Chẳng hạn một vị khách dựng xe vào mua hàng trên đường Phố Huế (Hà Nội). Lúc quay ra có người báo giảm xóc sau chảy dầu và nhiệt tình chỉ dẫn. Vị khách không ngần ngại nhờ "sửa hộ" mà không biết rằng dầu đó do chính anh ta đổ vào.
Về hiện tượng chết IC, anh Thái Minh Tuấn, giám đốc công ty Microtech, cho biết xe bị thợ "luộc" kiểu đó chủ yếu là Yamaha. Trên hầu hết xe máy, từ máy phát có ít nhất 4 dây ra gồm dây kích (xác định vị trí pít-tông), dây lửa cung cấp điện cho hệ thống, dây sạc ác-quy và dây mát. Trên Yamaha cụm dây này có một đoạn hở ra ngoài. Thợ lợi dụng lúc khách sơ ý làm đứt dây mát hoặc dây kích làm xe không nổ máy, rồi đổ cho hỏng IC.
Dây đai xe tay ga sẽ bị nứt nếu như bị gấp ngược (mặt răng hướng ra ngoài). |
Giải pháp
Khi gặp sự cố trên đường, nếu có cơ hội lựa chọn cần tìm những cửa hàng lớn, nhiều khách sửa chữa, hạn chế dắt xe vào cửa hàng dựng tạm. Khi sửa chữa ở cửa hàng lạ mà xe xuất hiện dấu hiệu bất thường chủ xe không nên cho thợ mở máy bởi họ càng mở sẽ càng thêm bệnh.
"Nếu thấy nghi ngờ, bạn nên gọi người tới giúp và tìm cách đưa xe về nơi uy tín. Trong trường hợp đêm khuya, xa nhà không tìm được ai thì phải mặc cả giá trước", độc giả Mạnh Quang chia sẻ.
Hiện nay người đi xe máy thường chủ quan, cho rằng chi phí sửa chữa thấp nên không để ý thợ làm gì. Họ ngồi đọc báo, nghe điện thoại, vào mạng nên thợ nói gì cũng tin, bởi không có bằng chứng đối chất.
Thói quen "đi xe tới khi hỏng" cũng tạo điều kiện cho thợ móc túi. Từ lỗi đơn giản sẽ sinh ra bệnh mới. Ví như không thay dầu thường xuyên sẽ dẫn tới máy yếu, bị khói. Thợ căn cứ vào đó bắt thêm bệnh mòn séc-măng, mòn su-páp, hỏng đầu bò khiến tiền sửa chữa lên tới hàng triệu đồng.
Vì vậy, khách hàng nên tuân thủ đúng quy định về bảo hành bảo dưỡng, thay dầu máy và dầu trục láp đúng hạn. Với xe tay ga cần kiểm tra nước làm mát và xúc rửa lọc gió thường xuyên. Bơm tại các hiệu uy tín ngay khi lốp có dấu hiệu non hơi. Bảo dưỡng tổng thể xe theo khuyến nghị của hãng in trong sổ bảo hành.
"Nếu hiểu về xe, chăm sóc tốt thì xác suất hỏng hóc giữa đường là rất thấp. Khi đó không ai có cơ hội lừa chúng ta. Sau mỗi bài học, người chủ phải thay đổi cách nhìn nhận với phương tiện mà mình đang đi. Không có gì tốt hơn phòng bệnh", Nguyễn Sơn, người thợ có 15 năm trong nghề trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét