Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

XE ĐÒ HOÀNG Ở CALIFORNIA


 ÚT BỈNH MỸ DU 16.6.2008

Xem Video Clip tại:
https://www.youtube.com/watch?v=oNPfyOIt_w4
 
 
Út Bỉnh đã đi xe Đò HOÀNG từ Phước Lộc Thọ lên San Jose 2.7.2008. Đi khoảng 6 tiếng, ngồi trên xe êm ru như đang đi trên máy bay vậy. Được phát tiêu chuẩn là một Ổ Bánh Mì Thịt, một cái hộp Xin Xa và một chai nước suối, một tờ báo. Tốn 35 USD cho một chuyến đi, chuyến về đệ tử ĐỊNH (Chủ FastFood To go QUÊ HƯƠNG bao). Đi qua nhiều cánh đồng trống, ít thấy ngả tư đèn xanh đỏ chỉ thấy trang trại mênh mong bát ngát tưới tiêu bằng máy móc hiện đại. Và tại Sanjose Út Bỉnh đã gặp được các bạn bè sau 32 năm xa cách.











XE ĐÒ HOÀNG Ở CALIFORNIA

Nguyễn Tài Ngọc



Chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội Cộng Sản đâm đổ hàng rào Dinh Độc Lập của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 30-04-1975 đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chiến Nam Bắc, nhưng nó cũng bắt đầu cuộc phiêu lưu của 135,000 người Việt tỵ nạn sang Hoa Kỳ. Là quốc gia đã có bao kinh nghiệm đối phó với vấn đề tỵ nạn của người Âu Châu sang Mỹ vào Đệ Nhất Thế Chiến và Đệ Nhị Thế Chiến, Tổng Thống Gerald Ford đã vạch sẵn chính sách đón nhận người Việt tỵ nạn: phân tán tất cả mọi người trên năm mươi tiểu bang trên nước Mỹ.


Chính sách phân tán này thực hiện được bốn điểm chính:
1.     Tái định cư người tỵ nạn một cách nhanh chóng để họ có thể tự túc dễ dàng sau này.
2.     Tránh được một số đông người tỵ nạn tập trung vào chỉ một thành phố làm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố đó sẽ gia tăng vì không đủ công việc.
3.     Tìm người bảo trợ dễ dàng hơn trong việc hoà đồng người tỵ nạn vào đời sống nước Mỹ.
4.     Tránh được một khu đông dân cư nghèo đói mà dân vùng đó toàn là người đến cùng một quốc gia.

Thế nhưng mình có câu “Tổng Thống Mỹ tính không bằng dân An Nam Mít tính”. Vì lý do thời tiết và vì muốn sinh sống nơi đông dân cư,  dân Việt Nam từ khắp mọi nơi dồn về ba tiểu bang Florida, Texas, và nhiều nhất, California. Năm 1975 số người Việt tỵ nạn ở California chỉ là 20% tổng số dân tỵ nạn. Đến năm 1980 con số đó nhẩy vọt lên 35%, và cho đến năm nay, khi những gia đình làng xóm của tôi ở chợ Bàn Cờ là ông Phó Bạc, bà Tư Rỗ, ông Trọng bán tem, chú Tám Tôm Càng, chị Bá bán bar dọn về Santa Ana ở đông với nhau cho vui thì tỷ lệ người Việt Nam ở California bây giờ đã tăng lên một triệu phần trăm. Buổi  chiều nấu cơm có thiếu trứng gà thì qua nhà kế bên gõ cửa chị Ba làm nail mượn đỡ hai trứng , khỏi cần ra siêu thị mua.

Người Việt Nam ở California có rất nhiều sự việc tiện ích mà người Việt ở các tiểu bang khác không có: thức ăn Việt Nam (không thua Sàigòn, gì cũng có từ cốm dẹp đến bánh tầm bì), chương trình ca nhạc Việt Nam (có thể đi xem Tuấn Vũ hay Chế Linh mút chỉ), khách sạn Việt Nam (room service gọi một bát phở thay vì món steak chán ngấy, cable TV xem cải lương thay vì CNN), vũ trường, người dậy lái xe bằng tiếng Việt Nam (dành riêng cho mấy người ở Mỹ hai mươi năm nói tiếng Anh vẫn không được sõi), đưa đón phi trường, tuyên thệ công dân tài xế là người Việt Nam, và cuối cùng điểm quan trọng nhất: di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác bằng xe đò do người Việt Nam làm chủ.

Phương tiện giao thông công cộng chính yếu nối liền các thành phố ở nước Mỹ là xe bus, xe lửa, và máy bay. Hầu như thành phố nào nhỏ đến đâu đi nữa cũng đều có phi trường nên người Mỹ đi máy bay như đi taxi . Đi xe bus hay xe lửa rẻ hơn không là bao nhiêu mà lại tốn nhiều  thì giờ nên số người đi xe bus và xe lửa càng ngày càng ít. Càng ít người đi mà luật lệ chính phủ ấn định bắt buộc chạy những lộ trình đông người lẫn lộ trình ít người, xe bus và nhất là xe lửa do đó luôn luôn lỗ lã. Xe lửa ở nước Mỹ do chính phủ làm chủ nên hàng năm quốc hội phải trích ngân quỹ  bao thầu phần thiếu hụt. Trong khi đó, xe bus Greyhound của Mỹ sau mấy năm lỗ lã liên tiếp đã phải bán cho một công ty của Tô-Cách-Lan vào tháng Hai năm 2007.

Xe bus trên nước Mỹ chỉ có người nghèo đi nên thường xẩy ra trộm cướp gần khu vực trạm xebus. Không biết hành khách ngồi bên cạnh mình gia cảnh như thế nào nên đi xe bus Mỹ không cảm thấy an toàn. Một trường hợp ghê rợn xẩy ra trên chuyến xe bus Greyhound ngày 30-07-2008 đi từ   Edmonton đến Winnipeg: một người Trung Hoa ngọai kiều được phép nhập cảnh vào Canada tên Vincent Li khai với nhà cầm quyền là trong lúc đi xe bus, trong đầu anh ta nghe tiếng gọi của Thượng Đế là phải giết tên quỷ sứ ngồi kế bên cạnh, anh Tim McLean người Gia Nã Đại, 22 tuổi, làm trong ngành hát xiệc. Vincent Li rút ra một con dao đâm liên tiếp vào Tim khi Tim đang say ngủ, cắt đầu Tim, móc mắt, mổ bụng lấy ruột tim ra, một phần bỏ vào giỏ giữ lại, một phần đem ra ăn ngon lành. Tháng 3 năm 2009, thẩm phán của thành phố Queen, Winnipeg xử Vincent Li không có tội vì lý do...điên! Thay vì đi tù thì Tòa xử giam Vincent Li ở nhà thương trị bệnh tâm thần.

Số hành khách đi xebus trên nước Mỹ do đó tương đối ít. Làm chủ xe bus trên nước Mỹ như làm chủ một trạm điện thoại công cộng giữa thời đại dân chúng dùng cellular phone, ấy thế mà xe đò Hoàng ở California, thiết lập từ năm 1999, thành công vẻ vang đến nỗi bây giờ có những hãng khác nhẩy vào bắt chước.

Nhận thức được nhu cầu giao thông giữa hai vùng thành phố đông người Việt Nam cư ngụ nhiều nhất trên nước Mỹ: San Jose ở Bắc California và Los Angeles, Orange County ở miền Nam California, anh Hoàng sáng lập ra tuyến xeđò, trong những năm đầu tiên dùng xe van Mỹ cỡ lớn. Bây giờ mười năm sau cái xe van nhỏ đó đã được thay thế bằng xe bus du lịch khổng lồ 55 chỗ ngồi, có restroom trên xe và thậm chí có cả WiFi internet! Xe từ miền Nam California khởi hành từ bãi đậu xe của siêu thị ABC góc đường Bolsa và Magnolia, chạy đến khu El Monte, Chinatown đón thêm khách rồi trực chỉ bánh mì Lee’s Sandwich ở San Jose, Oakland, và cuối cùng ngừng ở McDonald’s trên đường Van Ness ở San Francisco.
 
Khi nói đến đi xe đò, người Việt Nam nào cũng hình dung được chỗ khởi điểm:  bao nhiêu là xe đò đậu song song với chữ in sơn to tên thành phố đi và đến, người ngợm tấp nập, kèn xe inh ỏi, hành lý đầy mui, tiếng người lơ xe gọi khách ơi ới, dân chúng tranh nhau mua vé, hành khách lũ lượt tay xách vai đeo, giai nhân xinh đẹp như Thẩm Thúy Hằng. Xin lỗi tôi viết nhầm. Giai nhân xinh đẹp chỉ thấy ở trạm Hàng Không Việt Nam chứ đời nào mà gặp ở Xa Cảng Miền Tây hay miền Đông. Một người mang những hình ảnh đó đến trạm xe đò Hoàng dừng ở chợ  ABC trên đường Bolsa với hy vọng xem trạm xe bên Mỹ giống như ở SàiGòn thì sẽ thất vọng lớn: thứ nhất là mỗi ngày chỉ có một chuyến, và thứ hai nếu không chủ tâm để ý thì sẽ chẳng biết đó là xe đò đợi khách vì bãi đậu xe của siêu thị bên Mỹ rộng mênh mông bát ngát. Dù cái xe bus có to lớn đến đâu cũng tiệp vào với các xe khác trong bãi đậu, trừ khi mình đến gần thấy chữ Xe Đò Hoàng sơn bên hông xe.

Hành khách đi xe đò Hoàng đến từ đủ loại tầng lớp: người Việt du khách ở nơi khác đến California, người ở Santa Ana nhưng có việc làm ở San Jose, mẹ đi thăm con học ở UC Irvine hay Standford, bố mẹ đi thăm con, cụ già tám mươi đi thăm bồ nhí sáu mươi lăm mới quen nhau chỉ được vài ba tháng. Không một ai phải cần bỏ tiền mua vé trước (họ thu tiền trên xe), nhưng nếu gọi đặt chỗ trước thì ưu tiên hơn  người không giữ chỗ, cho dù người ấy là một cô chuyển bụng sắp sửa sinh trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Từ Westminster đi San Jose giờ khởi hành là 9:45 sáng, đến San Jose lúc 4:15 chiều. Quãng thời gian đi khá dài, hành khách nếu không ăn e rằng sẽ có người xanh máu mặt viếng thăm nhị tỳ bất đắc kỳ tử, phiền lòng tài xế phải ghé vào Tô Bia không dự định trễ giờ cả chuyến xe nên trước khi xe lăn bánh, chú tài xế đến phân phát cho từng người thực phẩm hiến tặng từ Hội Hồng Thập Tự Liên Hiệp Quốc: một ổ bánh mì thịt, một chai nước uống và một đĩa thạch nhỏ. Xe đò có thể thua máy bay vì thời gian đi quá lâu, thế nhưng so sánh với máy bay nội địa ngồi máy bay lâu méo cả mặt sưng cả mông, hành khách không được cho ăn, muốn ăn phải bỏ tiền túi ra mua thì xe đò Hoàng bứt xa máy bay nội địa Mỹ việc cho không bánh mì thịt nguội này.

Những ai không thích xem DVD nhạc Việt Nam thì chớ nên đi xe Hoàng vì khi xe vừa mới khởi hành là màn ảnh TV bắt đầu chiếu Thúy Nga Paris liên tục từ số 1 đến số 150 cho tới khi xe đến San Jose.  Tôi để ý vợ tôi ở nhà xem Paris ByNight một mình thì khung cảnh yên lặng, nhưng một khi có mấy chị em họp nhau lại xem cùng một lúc thì khung cảnh náo nhiệt hẳn lên với lời bàn tán ra vào. Cả cái xe bus là một rạp hát di động với khán giả hành khách rất là đắc ý bình phẩm cho nhau nghe lời bàn Đông Châu Liệt Quốc. Tất cả người trên xe đều là chuyên gia ba mươi lăm năm kinh nghiệm biết ngay tên tuổi ca sĩ và tên bản nhạc, từ bài “Cô Thắm Về Làng” đến bài “Máu Nhuộm trước Sân Chùa”, hay “Quần Ai Treo Trước Ngõ”:

-Cái cô Diễm Liên này hát thật là điêu luyện...
-Tui thấy một bài nhạc mà cho hai ca sĩ thế hệ cũ và thế hệ mới hát chung quá hay...
- Cô này ngày xưa ngực nhỏ sao bây giờ bự quá vậy trời?...

Tôi biết một cô Việt Nam có một anh bồ người Mỹ, rủ anh ta đi chơi Tijuana, Mexico bằng xe bus từ Los Angeles do người Việt Nam tổ chức. Trên chuyến xe chỉ có một mình anh ta là Mỹ Trắng, lên xe phát khúc bánh mì Việt Nam anh ta còn ăn được thế nhưng ba tiếng đồng hồ ngồi nghe Paris By Night, đã mấy lần anh ta định mở cửa sổ nhẩy ra ngoài tự tử vì vừa phải nghe lời bàn tán của hành khách, vừa phải nghe cái tiếng nhạc rên rỉ Việt Nam không thua gì người mình lắng nghe nhạc Ấn Độ cà răng căng tai làm anh ta chỉ muốn kết liễu cuộc đời thay vì để lỗ tai bị tra tấn. Sau chuyến du lịch Mexico ghê rợn còn hơn chuyến tầu hoả Thống Nhất từ SàiGòn đi Hà Nội, mối tình ấy những tưởng đã phải un point final nhưng nhờ cả hai đi therapy mà cuộc tình được cứu vãn.

Nhiều người  thấy giá tiền quá rẻ, du lịch bằng xe bus do người Tầu tổ chức đi San Francisco, Yosemite..., khi ngồi trên xe bus mới khám phá ra một sự thật chết người mà những người bán tour cho mình không đề cập đến:  tài xế loan báo là toilette trên xe bus không được dùng vì họ tiết kiệm tiền lau chùi. Người nào cần làm công việc vệ sinh thì xin học cấp tốc môn yoga, vận hai trăm thành công lực án binh bất động chờ xebus ngừng ở trạm nghỉ McDonald’s kế tiếp. Nhân viên ở McDonald’s phụ trách việc lau chùi restroom được trả lương tối thiểu $7.50 một giờ hôm đó bỗng nhiên khám phá ra phải lau restroom sau khi hơn 50 người dùng. Có chửi thầm trong bụng đến bao nhiêu cũng không biết là cái dịch vụ restroom McDonald’s đó thuộc vào một phần của tour bus người Tầu mà McDonald’s không bao giờ hay biết. Xe đò Hoàng thì ngược lại, toilette trên xe khách được dùng thoải mái không hạn chế. Khách được tự do sử dụng nên nhiều lúc cũng không dùng toilette vì chương trình nhạc quá hay, nín thở ngồi xem quên luôn việc phế thải.

Mấy năm trước em vợ tôi ở San Jose xuống chơi. Nó đã đặt chỗ xe đò cho chuyến về nhưng buổi sáng hôm về nó còn cố kỳ kèo nán lại đi ăn điểm tâm với bạn bè nên trễ chuyến khởi hành từ Chinatown Los Angeles.  Nó ở nhà tôi là phía Bắc Los Angeles, xe chạy từ Chinatown L.A. về San Jose phải qua hướng nhà tôi. Từ Chinatown đến nhà tôi mất khoảng 35 phút. Gia đình ai cũng rầu cho nó mất một ngày đi làm vì phải lấy chuyến xe hôm sau thì nó nghĩ ra ý gọi số điện thoại của xe đò Hoàng xin số điện thoại tay của anh tài xế. Có được số phone, nó gọi cho anh tài xế, hỏi anh ta đang lái ở đâu. Anh tài xế  đồng ý với nó một chỗ hẹn trên freeway 5 rồi tôi hối hả chở nó đi, bắt kịp xe đò vừa mới đến đúng chỗ hẹn trên freeway, ngừng lại giữa đường để cho nó leo lên. Phục vụ khách hàng như thế thì bảo đảm ít có công ty nào sánh bằng!

Ngoài dịch vụ chở khách hàng, xe đò còn nhận chuyên chở hàng hoá lặt vặt. Ba năm trước, cậu con trai cháu vợ tôi ở Paris từ San Jose về nhà chúng tôi để hai ngày sau bay về Pháp từ Los Angeles. Nó bỏ quên cái laptop. Em trai vợ tôi ở San Jose đem cái laptop ra xe đò Hoàng. Anh ta cho tôi biết giờ xe đến ở Bolsa để tôi ra lấy. Tôi đến thì không thấy xeở đâu hết. Ngồi trong xe đợi mười phút thì điện thoại cầm tay reo:

-Dạ tui muốn nói chuyện với anh Ngọc.
-Tôi là Ngọc đây anh.
-Tui là xe đò Hoàng anh ơi. Xe đến rồi, anh có cái laptop, nhờ anh ra lấy.
-Đến rồi sao anh? Xe đậu ở đâu?
-Ở trước chợ ABC.
-Anh nói chợ ABC nào, góc Bolsa & Magnolia?
-Đúng rồi.
-Tôi đang đậu xe chờ trước chợ ABC ngay đây mà tôi đâu có thấy xe đò nào đâu?
-Anh đậu ở đâu? Ngay chỗ cây xăng đó anh.
-Thì tôi đang đậu ngay chỗ cây xăng...

Vừa nói tôi vừa bước ra xe ngó dáo dác. Cái xe đò to chình ình không thể nào không thấy mà tôi không thấy bóng dáng nó ở đâu. Đang thắc mắc ghê gớm thì tôi thấy cách tôi chỉ chừng hai mươi  thước, quay lưng lại phía tôi là một anh Việt Nam trẻ, tay cầm cell phone gác tai, dưới chân là vài món đồ đạc. Tôi tiến đến, giới thiệu tôi là Ngọc. Anh ta đưa cho tôi cái laptop, nói là xe hôm nay đến sớm, anh ta đứng ở đây chờ mọi người đến nhận hết đồ xong thì anh ta về. Gửi một cái laptop bằng Federal Express hay UPS overnight, giá chắc có lẽ vào khoảng $40, $50 mà mình còn phải bỏ vào thùng đóng cẩn thận, viết hoá đơn tên địa chỉ người nhận gửi rõ ràng. Ấy vậy mà món hàng chỉ đến ngày hôm sau. Ở đây gửi buổi sáng buổi chiều đã nhận được, không cần giấy tờ phiền phức mà chỉ tốn có năm dollars. Only in America!

Không phải chỉ riêng người tỵ nạn Việt Nam, mà để đối phó với tất cả các người tỵ nạn khác như Do Thái, Ba Lan, Lithuania, Ý Đại Lợi... khi gia nhập vào nước Mỹ, chính phủ Mỹ luôn áp dụng chính sách trải đều mọi người trên khắp toàn quốc. Người Việt tỵ nạn đã chứng minh cho thấy chính sách này thất bại một phần nào vì đa số cuối cùng cũng tập trung vào một chỗ họ thích sinh sống  như California. Hèn gì  mà bất kỳ Tổng Thống Mỹ nào, Dân Chủ hay Cộng Hoà, sau nhiệm kỳ bốn năm là mái tóc nâu trở nên bạc trắng, già đi hơn hai mươi tuổi vì nhức đầu với chuyện tưởng đã được giải quyết, phân tán người Việt Nam tỵ nạn trên nước Mỹ, nhưng không ngờ Xe đò Hoàng đơn thân độc mã mỗi ngày một chuyến kéo hai thành phố đông dân cư Việt Nam lại càng gần với nhau hơn nữa.

Nguyễn Tài Ngọc
NORTH / SOUTH CAROLINA / SAVANNAH TRIP, MARCH 2007

Thành phố Minneapolis nhìn từ trên máy bay xuống vào cuối tháng mùa Đông trông thật tiêu điều và xơ xác. Khác với tháng Giêng hay tháng Hai  cảnhtrí trông thật hữu tình khi tất cả bao trùm bằng một lớp tuyết dầy cộm trắng xoá, cả thành phố bây giờ là một mầu vàng/nâu nhạt của cỏ đổi màu và của màu nước bùn khắp mọi nơi vì tuyết đã tan thành nước quyện với đất. Minneapolis là một trong những thành phố lạnh nhất ở nước Mỹ, và do đó cũng như bao thành phố ở vùng Đông Bắc, dân chúng di cư về các tiểu bang vùng Tây Nam nên dân số ngày càng thưa dần, từ hơn nửa triệu vào năm 1950 nhưng đến năm 2005 chỉ còn lại 350,000 người.

Tôi đang ngồi trên chiếc máy bay DC-9 trên chặng đường thứ hai từ Los Angeles, California đến Charlotte, North Carolina. Minneapolis, Minnesota là trạm chuyển tiếp. Hơn một năm trước đây, bà Connie người Mỹ  xếp của vợ tôi theo chồng về hưu ở Asheville, North Carolina. Hai vợ chồng trước ở cách nhà tôi chỉ có nửa giờ lái xe, ông chồng sinh trưởng ở Los Angeles nhưng khi về hưu quyết định dọn về tiểu bang này. Từ lúc dọn về cho đến nay, Connie luôn mời chúng tôi đến thăm căn nhà mới. Nhân tiện vợ tôi cũng có bạn ở Columbia, South Carolina, và tôi cũng muốn đi thăm hai thành phố Charleston và Savannah, nơi tôi có  đọc qua mà không bao giờ biết tới, chúng tôi gọi báo cho cả hai nơi là sẽ làm một chuyến “kinh du” thăm hai người vào tuần thứ ba của tháng Ba.

Máy bay bay không đầy hai giờ rưỡi thì hạ cánh ở Charlotte.  Không như những máy bay khác với hai ống phản lực dưới hai cánh, ống phản lực của chiếc DC-9 nằm hai bên đuôi phi cơ, tôi lại bất hạnh ngồi nhìn ngay ra nó bên ngoài cửa sổ. Khi  máybay hạ cánh thì tai tôi không còn nghe được những gì vợ tôi nói (lợi hay bất lợi?) , đầu thì nhức còn hơn khi chẳng may bước vào phòng ngủ trong lúc vợ tôi xem phim bộ Đại Hàn với cái giọng Nam pha Hoa thuyết minh “monotone” chói tai còn hơn đọc kinh cầu nguyện, thật là khó chịu. Cũng may là từ ngày Boeing mua McDonnal Douglas vào năm 1997, DC-9 đã ngừng sản xuất để nhường chỗ cho chiếc máy bay cùng loại bay đường xa tầm trung bình được lắm quốc gia trên thế giới ưa chuộng và đặt mua nhiều nhất thế giới với tổng số bán tính đến giờ hơn 6000 chiếc: Boeing 737.

Sau khi trả lời “Không” hơn 35 lần cho những câu hỏi của anh chàng làm cho hãng mướn xe Avis: “Anh có muốn lái xe xì-po hai cửa chỉ tốn thêm có năm đồng một ngày? “Anh có muốn mướn xe to chình ình chỉ tốn thêm tám đồng một ngày?” “Anh ở tiểu bang khác khó tìm đường ở đây, tôi nghĩ anh nên cần mướn GPS?” , “Anh lái xe đường xa  thế nào cũng mọc trĩ nên mua thuốc Preparation H cho chắc?”, tôi leo lên chiếc xe giá cả đã ấn định trước trên Internet, mở cái GPS di động bằng bàn tay mang theo từ California, bấm vào địa chỉ của Connie rồi theo GPS trực chỉ.

Không như dân ở những thành phố lớn phần đông cần học lại phép lịch sự lớp vỡ lòng, dân ở các tiểu bang miền Đông Nam nước Mỹ rất nổi tiếng về niềm nở, sốt sắng, kính cẩn và lịch sự với người không quen biết. Tôi thấy ngay cái Southern hospitality này khi ghé vào tiệm Chick-fil-A ăn tối sơ qua trước khi đến nhà khách. Chick-fil-A là một tiệm fast-food chỉ có ở các tiểu bang phương Đông, tương tự như McDonald’s nhưng chỉ bán thịt gà. Bà bán hàng người Mỹ trắng miệng lúc nào cũng nở nụ cười, kiên nhẫn đổi giá tiền mấy lần vì tôi do dự không biết ăn loại gà nào ngon: gà thiến, gà nuốt dây thun, hay gà bị cúm. Ăn xong, ra xeđể chuẩn bị lái tiếp thì tôi để ý bánh xe sau bị xì. Nhìn tôi lấy con đội đội xe tháo bánh xì để thay thế bằng bánh “sơ-cua”, vợ tôi âu yếm vuốt vai tôi và nói rằng không có chồng đi theo dùng sức voi để thay bánh xe thì chắc nàng phải chết. Xa chỗ mướn xehơn 90 cây số, hãng mướn xe chắc không thể nào giúp được cho đến sáng mai. Tôi nhắc với nàng nên ghi lại ngày giờ tối hôm nay nàng đã phát ngôn ra một câu nghe thật là chí lý để khi ở nhà nhớ đừng bao giờ làm biếng nấu cơm,  cho tôi ăn mì gói.
Một người đàn ông trạc 40 với giọng miền Nam thật khó nghe đến lăn cái bánh xe xì vài vòng chăm chú  tìm ra dấu đinh, chào và hỏi tôi có cần gì giúp đỡ. Tôi thật ngạc nhiên. Đúng là Southern hospitality quả không sai. Dân xứ này thật là tốt bụng. Ở Los Angeles trời chạng vạng tối như thế này mà có người đến gần giúp đỡ khi lâm nạn thì một là mình đang ngủ mơ, hai là người đó sẽ có con dao hay cây súng thủ sẵn trong người với dụng ý sẽ cho mình ngủ mơ thật sự. Tôi tưởng North Carolina nằm gần về phía Bắc  nêngiọng họ không nặng như những người miền Nam nhưng anh này nói giọng Nam đặc sệt làm tôi phải chú ý nghe. Chỉ cùng một tiếng Anh mà tùy theo vùng hay người nước khác nhiều lúc không thể hiểu nhau được. Nhờ việc làm mà tôi tiếp xúc được với những người nói tiếng Anh ở hai thái cực hoàn toàn trái ngược. Chúng tôi có một người thợ hàn người Louisiana, tiểu bang miền Nam nước Mỹ, nói giọng Nam nặng vô cùng. Hãng của tôi có văn phòng ở Thụy Sĩ và Đức, có một cô ở Đức nói tiếng Anh giọng Ăng-Lê. Tôi thường phải nói chuyện điện thoại với cô ta, ban đầu khó nghe nhưng dần rồi cũng quen. Có một lần cô ta sang Mỹ, sau khi nói chuyện với anh chàng người Louisiana, cô ta nói với tôi là cô ấy hoàn toàn không hiểu anh ta nói gì. Ấy là cô ta nói tiếng Anh 100% trôi chẩy, huống gì là mình. Lần khác một công ty ở nước Ấn Độ gửi hai người sang hãng tôi để được huấn luyện cách sử dụng máy hàn hãng họ đã đặt mua. Anh chàng Louisiana huấn luyện họ trong một tuần. Người Ấn Độ nói tiếng Anh mình nghe cũng đã nhức lỗ tai, hai anh chàng này nghe anh chàng Louisiana còn ..nhức lỗ tai hơn, không hiểu gì nhưng vì lịch sự nên im lặng không nói. Ngay sau khi họ trở về Ấn Độ, hãng của họ email cho chúng tôi là hai nhân viên họ gửi sang để huấn luyện không hiểu gì hết, và yêu cầu chúng tôi gửi người khác với giọng Mỹ bình thường sang Ấn Độ để huấn luyện lại!

8 giờ 45 tối xe tôi vừa qua downtown Asheville. Theo cái GPS tôi rời freeway vào con đường nhỏ hướng về Weaverville, nơi Connie ở. Trước khi tôi đến, Connie hỏi tôi có biết đường đi không, tôi nói với Connie là tôi có GPS di động nên đừng lo. Xe Connie có GPS, nhưng mua từ năm 2000  ở California,  hình như còn dùng CD nên quá lỗi thời. Đến đây thì chỉ dùng được ở khu đường chính, vào đến khu nhà ở thì mất phương hướng. Connie lo lắng tôi đi lạc nên đã email cho tôi cả nửa trang ghi lại lối đến nhà.  Tôi chỉ đọc sơ qua nhưng không để ý, cứ theo giọng nói của cái GPS phát thanh rõ ràng cả tên đường “Chuẩn bị quẹo phải vào đường Mustang Drive trong 300 feet”, và khi đến gần nó nhắc lại một lần nữa :  “Quẹo phải vào đường Mustang Drive” cho nên mặc dù trời tối đen như mực và mặc dù phải chạy ngoằn ngoèo quẹo trái quẹo phải, 9 giờ tối tôi lái xe vào driveway nhà Connie.  Vì đã được chúng tôi báo giờ sẽ đến, Connie và chồng là Don đã ngồi sẵn ở trước hành lang đợi. Hai người vồn vã bước ra driveway đón chúng tôi. Connie  với niềm hớn hở hiện rõ trên mặt ôm chầm lấy Loan và tôi cám ơn rối rít đã bỏ thì giờ đến thăm. Connie nói ngoại trừ gia đình hai đứa con trai của Connie, chúng tôi là bạn bè đầu tiên đến đây từ khi họ dọn đến Asheville từ tháng 12 năm 2005.  Hai vợ chồng về hưu ở với hai con chó nhỏ Jack Russell Terriers xinh xắn. Sau khi cất dọn hành lý, xem một vòng nội thất, chúng tôi xuống basement nói chuyện gẫu đến gần nửa đêm rồi đi ngủ.

Mở mắt dậy nhìn đồng hồ, bẩy giờ sáng. Bây giờ chỉ là bốn giờ sáng California nhưng tôi thường dậy vào khoảng năm giờ nên trong người không thấy mệt mỏi. Phòng ngủ của tôi ở trên lầu với hai cửa sổ nhìn ra trước và bên hông, hướng nào cũng có cảnh tuyệt đẹp. Nhà Connie ở trong dẫy núi Blue Ridge Mountain, nổi tiếng ở phương Đông nước Mỹ vì nhìn xa có một màu xanh dương đặc biệt. Tối hôm qua cái GPS cho tôi biết cao độ ở đây là 2600 feet, gần bằng 800 thước.  Nhìn ra đằng trước là cái driveway dài hơn Vạn Lý Trường Thành (tôi nghĩ ở California tiền xây cái driveway này thôi có lẽ đắt bằng cái nhà ở đây!), hai nhà láng giềng đồ sộ hai bên và một rừng cây ở phía trước. Khu Connie ở trong góc kẹt cul-de-sac, và là điểm cao nhất ở vùng núi này nên thật là lý tưởng.Bên tay phải là cảnh nhìn như những hình chụp trong puzzle cắt ra trăm mảnh để ghép lại: chính giữa lác đác vài nhà với mái ngói tam giác cao nhọn như nhà thờ, hai bên là hai rừng cây với một con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo như con rắn nằm bên tay phải. Xa xa ở cuối bức hình là Club house của sân golf và một dải cỏ màu xanh. Nhà Connie nằm trong Reems Creek Golf Club, một sân đánh golf bán công tiền hội viên chỉ có $5000, và tiền mỗi lần đánh cho người ngoài khi hội viên dẫn vào chỉ có $16! So với California thì quá rẻ: Gần nhà tôi cũng có sân golf bán công, nhưng tiền hội viên là $40,000, và mỗi lần khi người ngoài vào đánh, hội viên phải trả $100.  Căn nhà này rộng 4,700 square feet (430 thước vuông, tính luôn cả hầm basement mà Don đã biến thành một phòng khách tuyệt đẹp và thật là rộng), nằm trên thửa đất gần một mẫu, hai người mua với giá $550,000. Căn nhà tương tự ở California phải vào khoảng $1,700,000. Tôi đã nghĩ là sẽ không bao giờ rời California và có lẽ sẽ về hưu luôn ở căn nhà tôi sống hiện thời cho đến chết, nhưng sự khác biệt về giá cả và cảnh trí thơ mộng trên núi ở đây làm tôi hơi thay đổi ý kiến một tí. Don nói  vớitôi là ở đây thấy rõ bốn mùa thay đổi. Mùa Xuân tuyệt đẹp khi cây cối ra hoa đủ loại màu sắc. Vùng núi này nổi tiếng về hoa màu sặc sỡ, rất tiếc là tôi đến sớm một tháng nên chỉ thấy cành cây trơ trọi.Mùa hè tuy rằng tất cả miền Nam và Đông Bắc nóng oi bức mồ hôi nhễ nhại như Việt Nam vì ẩm ướt, chỗ này lại không bị oi bức và vì ở trên cao, khí hậu dễ chịu như California: ban ngày có nóng đến đâu đi nữa nhưng ban đêm cũng rút lạnh. Mùa Thu đẹp như mùa Xuân khi cây lá đổi màu,  mùa Đông thì không lạnh lắm, thỉnh thoảng  tuyết rơi dầy chỉ  một hay hai inch (3 phân) là cùng. Tóm lại, nói về thời tiết, đây là thiên đường để sống.

Connie là người Mỹ rất tỉ mỉ về cách ăn mặc. Trước khi chúng tôi đi, Connie đã dặn mang theomột bộ quần Tây khi đi ăn tối. Sáng nay Connie đã dặn chúng tôi cứ mặc quần jean thoải mái khi hai vợ chồng chở chúng tôi đi xem phong cảnh, chiều về nhà mới phải diện quần áo khác để đi ăn nhà hàng. Sau khi Don lái theo tôi đến văn phòng mướn xe Avis ở downtown để tôi đổi xe khác vì bánh xe hư, chúng tôi đi xem thắng cảnh ở Asheville.  Lái xe vòng vòng sân đánh golf xem nhà cửa, tôi không thấy đến một người da đen hay Á Đông. Thấy vợ chồng tôi với vợ chồng Connie, người Mỹ trắng ở đây có lẽ tưởng lầm chúng tôi là dân Trung Hoa vào thập niên 1800 còn sót lại ở California đến đây .…xây đường rầy xe lửa. Đời sống ở đây quá thanh bình. Trên con đường núi đến Blue Ridge Parkway, tôi thấy thỉnh thoảng vẫn còn sót lại những barn, (nhà dùng để giữ thóc lúa và súc vật), những log cabin  (nhà mà tường xây bằng thân cây chồng lên nhau), và bao nhiêu là nhà đất cỏ rộng mênh mông với trâu bò.

Dừng xe lại để chụp hình ở Blue Ridge Parkway, con đường dài 470 miles (760 km) nối liền đến Smoky Mountain nổi tiếng về màu sắc cây cối, tôi lại chứng kiến thêm kinh ngiệm của Southern hospitality: một anh đang lái xe đạp dừng vào chỗ chúng tôi và nói để anh ta chụp hình cho thấy cả bốn người. Tôi xin anh ta chụp chung với tôi một tấm, và sau khi rất vui vẻ nán lại thêm vài phút nữa  nóichuyện xã giao, anh ta lại đạp xe đi.

Tôi đã tìm hiểu và biết được dân số của Asheville chỉ có 70,000 người. So sánh với thành phố Simi Valley tôi đang ở là 120,000 người mà tôi đã có cảm tưởng như ở quê, tôi đã nghĩ Asheville là …đồng ruộng. Thế nhưng khi đến downtown Asheville thì tôi hoàn toàn kinh ngạc: đầy dẫy những nhà lầu chọc trời, tiệm ăn khắp nơi với khách ngồi ngoài đường trông thật vui và tấp nập. Simi Valley của tôi không có phi trường. Ở đây có cả phi trường riêng, chứng tỏ là du khách hay business ở Asheville khá nhộn nhịp.  Khoảng một giờ trưa Don Connie chở chúng tôi đến lâu đài nhỏ Biltmore estate, một ngạc nhiên trong chuyến đi này mà tôi không nghĩ đến. Khi nói đến lâu đài, người Mỹ nào đã có dịp sang Paris xem Chateau de Versailles, Louvre, Fontainbleau… thì nếu đi xem Hearst Castle ở California của Mỹ thì sẽ thấy rất thất vọng vì nó nhỏ bằng ..lỗ mũi. Chính vì thế mà khi nghe về Biltmore estate, tôi hoàn toàn không hào hứng mà chỉ nghĩ mục đích chính yếu của chuyến đi là thăm vợ chồng Connie. Đứng trước Biltmore estate để chụp hình, cho dù là căn nhà tư nhân lớn nhất ở nước Mỹ với 250 phòng, 43 phòng tắm, 65 lò sưởi, diện tích bên trong là bốn mẫu (16200 thước vuông), tôi vẫn không có ấn tượng mấy vì so với Louvre  hay Versailles, bên ngoài của Biltmore estate quá nhỏ. Thế nhưng khi mua vé vào xem bên trong thì cả là một sự ngạc nhiên lớn lao.  Không có một bảo tàng viện, di tích lịch sử, lâu đài nào mà tôi đã xem còn duy trì bàn ghế, đèn đuốc, giấy dán tường -wallpaper-, đồng hồ, vậtdụng trưng bày trong nhà sang trọng và tráng lệ bằng căn nhà này. Tuy rằng Biltmore estate hoàn thành vào năm 1895, thế nhưng phòng nào cũng như phòng ấy vẫn còn giữ nguyên vẹn như nhà mới xây, sẵn sàng cho người bây giờ ở vẫn được. Khác hẳn với Mission Santa Barbara xây 80 năm trước Biltmore, du khách vào xem liên tưởng  ngay đời sống các ông Cha thời ấy tương đối khắc nghiệt vì bàn ghế, giường ngủ và dụng cụ thật thô sơ, nhà thờ lạnh lẽo, tường và sàn nhà siêu vẹo vì kiến trúc bằng đất sét nện…. Ngược lại, khái niệm đầu tiên của một người khi vừa bước vào Biltmore estate là… Beverly Hills: sang trọng tột độ. Tất cả lò sưởi làm bằng đá mài quý, trần nhà của những phòng không phải là phòng ngủ không để thẳng tuột mà trang trí đủ kiểu khác nhau, từ gỗ quý đến tranh sơn dầu loại của hoạ sĩ nổi tiếng Michelangelo, Ý. Nhiều phòng giấy dán tường là da chứ không phải giấy! Vùng rừng núi ở phía Tây North Carolina nổi tiếng về sản xuất gỗ nên hầu như phòng nào cửa và tường đều làm bằng gỗ đắt tiền với công trình chạm trổ thật tỉ mỉ và tinh xảo. Căn phòng thưviện toàn bằng gỗ quý với chạm trổ thật công phu. Vừa bước vào tôi cảm thấy nó đẹp như thư viện trong phim The League of Extraordinary Gentlemen. George Washington Vanderbilt giầu sụ nhờ ngành xe lửa nên không ngừng ở bất cứ một khó khăn nào khi có ý định xây căn nhà sang trọng nhất thời bấy giờ. Ông  ta mua 100,000 mẫu đất. Khi san bằng phần rừng núi 250 mẫu (căn nhà chỉ toạ lạc trên bốn mẫu) để xây vườn hoa và hồ bên ngoài, ông ta mua cả triệu cây từ khắp nơi đem về trồng, đá mài qúy mua  từ Ý Đại Lợi và Indiana. Đã thế, ông ta mướn bao nhiêu hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà trang trí  từ Ý và Tây Ban Nha đến để giúp vào công trình xây dựng.

Căn nhà này thiết lập khi điện và điện thoại đã được phát minh nên trong nhà là hệ thống truyền thông thật  tối tân. Hầu như ở phòng nào người nhà cũng có thể gọi người làm ở tầng trên cùng (chỗ ngủ) hay dưới hầm (nhà bếp và nơi giặt quần áo).  Xem nhà bếp tôi mới thật kinh ngạc vì năm 1895 mà họ đã phát minh ra máy sấy và food processor. Người giầu đúng là có khác: Trong nhà có cả một hồ bơi tương đối to, dài khoảng 25 thước. Thời bấy giờ họ đã có đèn để dưới nước cho sáng vì hồ xây bên trong nhà. Ngoài ra còn có phòng tập thể dục và hai hàng bowling.

Don rất tích cực chơi golf và tennis. Khi còn ở California, Don đã thường xuyên chơi trong Club. Connie thỉnh thoảng nói với Loan hỏi tôi mỗi cuối tuần có muốn gặp Don chơi tennis, nhưng vì nhà quá xa (nửa tiếng), và tôi cũng có người để đánh tennis Thứ Bẩy hoặc Chủ Nhật nên chúng tôi không bao giờ chơi tennis với nhau. Lần này sang đây không đủ thì giờ đánh golf nhưng vì sân tennis ngay trên sân golf  nên sáng sớm Thứ Bẩy bẩy giờ Don và tôi đi đánh vài sets. Đánh với người lạ có một cái thú là không biết “công lực” họ như thế nào, thành ra cho dù Don lớn hơn tôi 15 tuổi, nhưng biết rằng Don sức khoẻ rất cường tráng vì chơi golf thường xuyên mỗi tuần và tạng người Mỹ của Don cũng to xác hơn tôi, tối hôm trước tôi đã tự mình cấm cung, tự nhủ “anh chưa đánh thắng thì chưa động phòng” để giữ gìn thể lực cho trận đấu ngày hôm sau.  May thay là tôi chỉ lo xa: Don thua đại bại 6-0, 6-1 và hẹn tái chiến lần tới.

Trở về nhà tắm rửa xong, Connie vừa nướng sẵn một món ăn sáng phô-mai với trứng trông thật là lạ. Sau này đi về Loan nói với tôi là tôi “đặc biệt” lắm vì Connie không nấu ăn, chỉ chuyên môn đi ăn tiệm. Thế mà hôm nay Connie xem cookbook nấu một món ăn sáng chưa bao giờ nấu để đãi khách. Tôi chụp thêm vài tấm ảnh hai người  trước nhà và sau khi nói cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của Don và Connie, chúng tôi rời Asheville đi Columbia thăm  Hồng Linh, bạn cũ của Loan từ Regina Pacis.
  
Columbia với 123,000 dân là thủ đô và thành phố đông nhất của tiểu bang South Carolina. Dân số của cả tiểu bang South Carolina chỉ có 4 triệu 3, so với thành phố Los Angeles đã là 3 triệu 8 , đủ cho ta thấy là South Carolina dân số thưa thớt đến chừng nào. Tôi thấy dân da đen rất nhiều, nhưng trông họ hiền lành hơn người da đen ở Los Angeles.Hồng Linh luôn than phiền ở xứ khỉ-ho-cò-gáy-xơ-xác-xa-xôi-chẳng-có-ai-đến-thăm Cà Mau này nên khi thấy con sông ..Tiền Giang bên tay phải, tôi biết ngay là xe chỉ còn cách nhà Hồng Linh dăm phút nữa.

Với tốc độ lái xexuyên thời gian bất chấp phú lít, tôi đến nhà Hồng Linh đúng một giờ trưa, sớm hơn thời gian GPS ước lượng mười lăm phút. Đậu xe lên driveway, tôi thấy anh Long chồng Linh đang rửa xe. Anh Long là người Huế, sinh vào thời vua Minh Mạng, phát âm  nhỏ nhẹ mà lại nói tiếng Huế 100% nên cho dù là tôi có kinh nghiệm hai mươi năm nói chuyện với người ngoại quốc ở trong hãng, thỉnh thoảng tôi vẫn phải nhắc anh ấy lập lại để hiểu cho rõ anh ấy nói gì. Tôi nghe nói anh ấy có liên hệ xa gần gì đó với vua Bảo Đại, suýt tí nữa thì tên đã là Bảo Long. Có họ hàng với vua như thế nên tính anh thích bảo trì (lau xe), bảo hành (không cần biết là hành lá hay hành Tây, anh chỉ muốn cho nó tồn tại cả hai) và bảo vợ. Vào nhà thì Hồng Linh và chị Muội (ở Irvine California, cách tôi một giờ rưỡi lái xe, đến đây trưa hôm qua) đang bận rộn trong bếp sửa soạn thức ăn trưa: bì cuốn và bò nướng vĩ. Vì đã đặt phòng sớm cách đây 35 năm trước, chúng tôi được chủ nhà dành cho căn phòng ngủ duy nhất ở dưới lầu. Tôi thích ăn chè nên khi nghe nói Hồng Linh làm sâm bổ lượng, tôi làm ngay cho một ly to tướng trước khi ăn bò nướng . Cái ngạc nhiên thứ nhất của tôi là Hồng Linh làm sâm bổ lượng ngon tuyệt, không thua gì sâm bổ lượng Fort Erie Canada của cô Hai Sen, và sâm bổ lượng San Diego của cô Tư Huệ. Cái ngạc nhiên thứ hai của tôi là ngoài tài thi sĩ trào phúng, Hồng Linh cũng là một nhà nội trợ đảm đang (có dấu đàng hoàng), nấu bao nhiêu món ăn ngon xuất sắc làm chúng tôi đến từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: sâm bổ lượng, bò nướng vĩ, súp măng cua, lẩu, phở gà, mì xào giòn, và bún bò Huế. Ấy là chưa kể những món khác Hồng Linh đã sửa soạn nhưng chúng tôi phải dập đầu quỳ gối nói hết nước miếng cản xin đừng làm   ăn không hết: chả giò, bò kho, và chè Thái Lan.

Chủ nhật hôm nay sau khi ănphở gà điểm tâm sáng, chúng tôi khởi hành đi xem hai thành phố Charleston và Savannah. Charleston, dân số 96000, là thành phố ngay trên bờ biển Đại Tây Dương, thuộc tiểu bang South Carolina, cách thủ đô Columbia hai giờ rưỡi lái xe. Charleston là thành phố chứng kiến nhiều dữ kiện lịch sử về cuộc nội chiến Civil war.Năm 1861, chống đối với chính sách giải thoát người nô lệ da đen của Tổng Thống Abraham Lincoln, bẩy tiểu bang miền Nam, kể cả South Carolina, sáng lập the Confederate States of America với mục đích chính yếu tách rời khỏi 23 tiểu bang Union States muốn giải phóng nô lệ. Ngày 12 tháng 4 năm 1981, quân đội miền Nam Conferate Army tấn công và chiếm đóng một căn cứ quân sự của quân đội liên bang ở Fort Summer (nằm trong vịnh Charleston), mở màn cho trận nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng số binh sĩ tử thương lên đến 557,000 người, nhiều nhất trong tất cả các trận chiến nước Mỹ tham dự. Charleston cũng là thành phố đầu tiên chứng kiến trận hải chiến đầu tiên với tiềm thuỷ đĩnh Mỹ: Tầu ngầm Hunley của quân miền Nam đánh đắm chiến hạm USS Housatonic của miền Bắc.

Đi bộ dọc theo những con đường ở khu phố gần bờ biển ở Charleston, du khách sẽ thấy rất nhiều những căn nhà cổ duy trì mới nguyên với lối kiến trúc đặc biệt của miền Nam: nhà thường có hai hay ba tầng; chung quanh ba bên tường rất nhiều cửa sổ; đằng trước hay bên hông cả hai tầng đều có hành lang với quạt trần. Nhiều nhà có phần hiên nhà hình bán nguyệt với những cột trụ tròn để chống, phần đông sơn mầu trắng.Đặc biệt là nhà nào cũng có vườn không to thì nhỏ, cây và hoa trồng rất tương xứng với mảnh đất. Khắp phố là xe ngựa chở du khách đi vòng vòng để  ngắm cảnh. Sáng dậy sớm chưa có thì giờ đi bộ tập thể dục nên bây giờ cả đám vừa đi bát bộ vừa ngắm những kiến trúc lạ mắt bên gió biển thật là thích.

Ở Charleston độ ba tiếng và sau khi ăn trưa, cả bọn lái xe đi Savannah. Savannah thuộc tiểu bang Georgia về phía Đông, nằm sát biển, cạnh ranh giới South Carolina. Savannah 100 năm trước phồn thịnh nhờ xuất cảng bông gòn, và cũng đã bị huỷ hoại khá nhiều thời Civil War khi cuối cùng Tướng William Sherman của quân đội miền Bắc tiến vào thành phố sau khi đánh bại quân đội miền Nam. Một cá tính đặc biệt của Savannah là dưới phố có rất nhiều bùng binh hình vuông với những cây sồi -oak-  vớitàn thật to lớn bao phủ ra cả dẫy nhà kế bên. Cạnh Savannah River là một dẫy tiệm shopping gọi là Factor Walk. Cả năm người chúng tôi không ai thích khu shopping này vì tất cả tiệm nằm ở tầng dưới của những building thật cũ kỹ không được duy trì.Ở chơi đến sáu giờ rưỡi chiều, chúng tôi trở về Columbia.

Sáng Thứ Hai tôi đã định đi Atlanta, Georgia, nhưng chuyến đi thăm Savannah hôm qua làm tôi hơi thất vọng vì không có gì đặc sắc. Hơn nữa, lái  xe từ Columbia đến Atlanta cũng khá xa, hơn bốn tiếng, nên chúng tôi đổi chương trình đi Myrtle Beach về phía Đông Bắc của South Carolina. Khi đọc báo tôi thường thấy họ đề cập Myrtle Beach là một trong những bãi biển được thăm viếng nhiều nhất ở phương Đông. Tôi đã đi nhiều bãi biển ở California, nơi có hơn 450 bãi biển nằm trên 1000 miles từ Bắc tới Nam, thành ra tôi cũng muốn đi xem thử Myrtle Beach như thế nào. Lái xe mất hơn hai tiếng. Đến nơi thì tôi không được ấn tượng mấy cho lắm. Thứ nhất là không có núi như ở California, Hawaii hay ở Maine vì núi tạo cho khung cảnh thêm hữu tình. Thứ hai là nhà cửa kiến trúc trông sơ sài và lác đác cho dù là ngay biển. Nước biển bên phía Đông Hoa Kỳ nhất định ấm hơn phía Tây: tôi thử nhúng chân xuống nước. Bây giờ là cuối Đông thế nhưng nước biển ở đây còn ấm hơn nước biển ở California vào mùa hè.

Trở về Columbia ở lại đêm cuối cùng , vợ chồng Hồng Linh đãi chúng tôi ở một nhà hàng Nhật mà người Chef đứng xào nấu trước mặt khách, teppan. Món ăn kiểu này đã được ông Benihana người Nhật Bản mở nhà hàng tiên phong ở New York vào thập niên 1960 và dần dần lan truyền khắp nơi trên đất Mỹ. Ở những thành phố lớn như New York hay Los Angeles, vì nguyên thủy phát xuất từ Nhật Bản, người nấu teppan phần đông  người Nhật, nhưng ở thành phố Columbia khỉ ho cò gáy này khi tôi hỏi anh chef là người gì, anh ta trả lời là người Phi Luật Tân. Như thế có lẽ khi đến ăn tiệm Việt Nam ở đây, đầu bếp nấu phở chắc là người …Mễ?

Sáng hôm sau dậy sớm được Hồng Linh nấu bún bò Huế ăn điểm tâm, tôi mang valise ra xe để chuẩn bị lái đi phi trường Charlotte bay về Los Angeles. Kiểm soát  xem có bỏ quên gì trong phòng, tôi không khỏi ..rủathầm cô chủ nhà đã treo cây thánh giá và hình Đức Mẹ thật là to ngay đầu giường làm ba đêm vợ chồng tôi ngủ không dám động tĩnh. Tôi đã định để lại vài đồng tiền tip thế nhưng thay đổi ý kiến vì nhớ lại sáng nào tôi cũng phải nghe Hồng Linh hát bài Phố Đêm “Phố đêm, đèn mờ giăng giăng, mầu trắng như mầu đen, mấy đường tối thui…” làm phẩm chất của lần đi nghỉ hè này của tôi bị giảm thiểu cực kỳ trầm trọng.

Từ Columbia đến Charlotte lái xe mất độ một giờ mười lăm phút. Sau khi chạy vòng vòng dưới phố xem phong cảnh và chụp vài tấm hình, tôi đến phi trường trả xe, chia tay với chị Muội vì chị ấy bay US Air, còn chúng tôi thì bay Northwest Airlines. Ngồi trên máy bay về lại California, nhớ lại những tình cảm nồng hậu của Don và Connie, của anh Long và Hồng Linh, tôi suy nghĩ số của chúng tôi quá may mắn, đi đến đâu cũng được có bạn bè đón tiếp thật niềm nở.  Nhớ lại những khẩu súng cà-nông, những bảng ghi lại những dữ kiện lịch sử chiến tranh thời nội chiến Civil War, tôi lại càng cảm thấy may mắn hơn ở trong một quốc gia sẵn sàng đổ máu để đem lại công lý cho người thấp cổ bé miệng: giải phóng người da đen ra khỏi vòng nô lệ và mang tôi đến sống ở nơi đây. Tôi còn muốn trở lại vùng Blue Ridge Mountain của Connie để chụp hình cảnh cây lá đổi mầu, và Columbia của Hồng Linh để trở lại Charleston tiêu khiển thì giờ lâu dài hơn một tí. Hy vọng lúc đó tôi sẽ thuyết phục được cô chủ nhà không hát bài Phố đêm mỗi sáng sớm, và vợ chồng tôi được ngủ ở phòng trên lầu không có cây thánh giá hay hình Đức Mẹ treo ở đầu giường.

Nguyễn Tài Ngọc

With Connie and Don

Billmore Estate – North Carolina

Charleston – South Carolina

Long - Hồng Linh - Muội

CLEARWATER, FLORIDA &  HOUSTON, TEXAS
May-2007



Tuần vừa rồi vợ tôi có dịp  dự  hội thảo một tuần cho công việc sở ở thành phố Clearwater thuộc tiểu bang Florida. Cũng như ba tuần trước tôi đi làm nàng đi theo chơi, lần này đến lượt tôi đi theo chơi trong khi nàng đi làm. Florida là một bán đảo -peninsula- khổng lồ ở Đông Nam nước Mỹ, mặt biển bên phải phía Đông giáp Đại Tây Dương, và mặt biển bên trái phía Tây giáp Vịnh Mexico. Thành phố Clearwater cũng là một bán đảo, dân số 108,000 người, cùng với hai thành phố St. Petersburg và Tampa nằm chung quanh Vịnh Tampa.  Máy bay bay từ Los Angeles đến Tampa dừng ở Houston, chuyển tiếp đợi mất một tiếng rưỡi.  Thành phố Houston với hơn hai triệu dân,  phi trường lớn vĩ đại không đáng gì để nói, nhưng Tampa là thành phố chỉ có hơn 300,000 dân mà phi trường cũng tân tiến, rộng rãi và khoảng khoát. Mỗi lần dừng chân ở một thành phố nhỏ trên nước Mỹ với phi trường to lớn, tân tiến và sạch sẽ,  không  lúc nào mà tôi không nhớ lại phi trường Tân Sơn Nhất rồi tự nhủ thầm không biết đến chừng nào Việt Nam nước mình mới bắt kịp xứ người.

Florida ẩm ướt, chỉ có hai khí hậu: nóng, và nóng hơn. May là bây giờ chưa phải là mùa hè, và may là xe hơi nào cũng có máy lạnh. Hơi lạnh của chiếc xe mướn thổi với tốc độ mạnh nhất làm chẳng mấy chốc cái áo ướt mồ hôi của tôi trở nên khô dần. Florida như là chiếc áo rách đầy những lỗ nước lớn nhỏ loang lỗ, đi chỗ nào cũng có nước, và do đó cầu xây khắp nơi. Từ Tampa đến Clearwater phải qua hai cái cầu mà một trong hai cái, Courtney Campbell Causeway dài thật là dài, khoảng    14 cây số. Florida có hai cây cầu nổi tiếng: Một chỉ cách Clearwater 21 cây số  về phía Nam: cầu Sunshine Skyway, cầu -có  một phần là cầu treo- dài nhất thế giới, 9 cây số;  và hai là cầu Seven Mile bridge ở Florida Keys, dài 11 cây số.

Nhà cửa dọc theo đường đến Clearwater tương đối nghèo nàn, hầu hết là nhà một tầng, lụp xụp, không duy trì. Nhiều nhà thuộc dạng nhà tiền chế, trông rất sơ sài. Dấu hiệu nghèo nàn thấy rõ rệt trong những cửa tiệm thương mại: tôi thấy rất nhiều tiệm giặt quần áo bằng tiền cắc. Đậu xe vào bãi đậu xe của khách sạn Hilton sau khi biết giá cả năm  đô-la một ngày,  tôi đoán ngay đây không phải là nơi khách du lịch thăm viếng tấp nập đông đảo như ở Hawaii: Muốn đậu xe ở những khách sạn tọa lạc ngay trên bờ biển Waikiki ở Hawaii, khách phải trả từ 20 đến 40 đô-la một ngày.

Cát ở bãi biển Clearwater trắng và mịn như bột. Trắng đến nỗi nó làm tôi liên tưởng đến sự trái ngược bãi biển cát đen như hắc ín vì núi lửa cả nghìn năm về trước ở bãi biển phía Đông của Oahu, Hawaii. Nhìn về hai bên, phía Bắc hay phía Nam người ta chỉ thấy hai dải mầu chạy tít cuối tận chân trời: mầu trắng toát của cát và mầu xanh dương của biển, đẹp vô cùng. Bãi cát rộng khủng khiếp, hoàn toàn không có cỏ dại, cát đến tận building khách sạn. Phần lớn du khách ở đây đến từ Âu Châu hay các tiểu bang miền Bắc. Một điều rất lạ tôi thấy là có lẽ 85%  người đi tắm biển là da trắng. Ít thấy người Á Đông, Mễ, hay da đen. Nước biển ở đây ấm, không lạnh run người, sóng cũng không mạnh như ở California. Bãi biển này thật là lý tưởng cho gia đình có con nít, tha hồ cho chúng nó tắm mà không sợ chết đuối vì  nước không sâu, đi cả 30 thước mà nước vẫn chỉ ngang đầu gối. Nông cạn như thế  thành ra phần biển gần bãi cát nước có mầu xanh dương nhạt. Nước tương đối trong vì đứng ở những chỗ nước ngang đầu gối mình vẫn có thể thấy bàn chân mất thẩm mỹ của người khác.

Clearwater là dải đất nhỏ hai bên là nước: trước mặt là nước biển vịnh Mexico, đằng sau  là nước biển vịnh Tampa. Đứng ở hướng nào cũng nhìn thấy nước. Ở  trên lầu thứ tám của khách sạn Hilton nhìn về hướng đất liền, cảnh trí đẹp mê hồn. Mình vừa thấy nước biển của vịnh Tampa, vừa thấy sinh hoạt tầu bè, vừa thấy nhà cửa lốn nhốn, vừa thấy hai cây cầu, một nối liền Clearwater với Tampa, một nối liền Clearwater và St. Petersburg, vừa thấy đèn đuốc ban đêm, vừa thấy xe cộ tấp nập chạy dưới đường. Giá có một dải núi ở xa xa nơi cuối chân trời thì có lẽ  ít nơi nào đẹp bằng. Florida là tiểu bang hoàn toàn chỉ có đồng bằng, núi cao nhất chỉ cao 105 thước, so với núi cao  nhất ở California là  Mt. Whitney, cao đến 4400 thước.

Ban ngày nhiệt độ tuy nóng, 90 độ F (32 độ C), nhưng luôn có gió biển nên cũng mát một phần nào. Buổi chiều nhiệt độ xuống thấp dễ chịu hơn, 70 độ F (21 độ C), nhưng gió cũng tăng tốc độ. Mặt nước trong vịnh gợn sóng nhấp nhô, tầu bè tuy đã buộc vào bờ nhưng chòng chành giao động, những hàng cây dừa gió thổi lá tạt hẳn về một bên, cửa kính phòng khách sạn của tôi hơi cũ kỹ nên tuy cửa đóng nhưng gió vẫn luồn qua khe hở rít từng hồi xào xạt. Gió thổi chỉ có 15 miles một giờ mà đã ảnh hưởng như thế (ra đường mũ sẽ bay nếu tay không giữ, cát biển tốc lên người nếu mình nằm trên bãi cát), tôi không tưởng tượng đến lúc có bão tố -hurricane- thì tai hại đến chừng nào. Florida là xứ hurricane, mỗi năm trung bình mười cơn hurricane tàn phá tiểu bang nên khắp đường phố cứ độ chừng nửa mile là có bảng cắm “đường di tản-evacuation route” để hướng dẫn dân chúng đường đến nơi an toàn.

Dọc theo bãi biển chạy suốt về phía Nam, số khách sạn lớn khoảng mười tầng rất là ít nhưng nhà lầu to lớn loại condo bán cho dân ở và motel lụp xụp rất là nhiều. Tôi có ghé vào vài khách sạn xem cảnh trí, nhưng không khách sạn nào địa điểm tốt bằng khách sạn Hilton. Bãi cát ở Hilton rộng  mênh mông nhất trong các khách sạn, có lẽ đến 90, 100 thước. Hilton cũng nằm kế bên Pier 60, nơi lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại. Mình có thể đi bộ ra tận đầu cầu pierđể xem người ta câu cá, hay ngắm bãi cát từ ngoài biển nhìn vào. Tối đến khu này lại tấp nập những gian hàng buôn bán nho nhỏ và các nhạc sĩ đến hát hò, sống bằng tiền du khách trợ giúp. Hilton cũng nằm  gần một cái bùng binh như bên Âu Châu, đứng trên ban công nhìn xe cộ chạy vòng vòng cũng vui mắt. Bùng binh là một kiến trúc không bao giờ thấy ở California vì từ xưa đến nay California nghĩ lầm là bùng binh làm giao thông chậm lại và dễ gây tai nạn. Ở California chỉ có ngã tư hai đường cắt nhau 180 độ. Cách đây một năm tôi đọc báo thấy nói là họ lầm, bùng binh tuy làm giao thông chậm lại nhưng xe cộ luôn luôn di chuyển  không bao giờ ngừng.  Vì thế mà trong những khu kiến trúc nhà cửa sau này, họ bắt đầu xây bùng binh ở California.
 
Ban ngày bãi biển có đông đến đâu đi nữa thì buổi chiều hay sáng sớm như những cơn sóng ập vào lôi cuốn những dấu chân trên bãi cát trong tích tắc để lại bãi cát phẳng lặng như tờ, người ta cũng biến mất hết để lại bãi cát vắng hoe với những con chim biển thỉnh thoảng đáp xuống bãi cát tìm thức ăn. Buổi tối hay sáng sớm chúng tôi thường đi bộ dọc theo bờ biển. Trong màn đêm tối đen như mực vì các nhà lầu khá xa nơi sóng  biển, thị giác chúng tôi hoàn toàn biến mất để thay vào đó tai nghe tiếng sóng nhẹ nhàng liên tục đánh vào bờ một cách êm ả, chân cảm thấy mát rượi từng bước đi của nước biển. Cái cảm giác đê mê biển cả mênh mông vũ trụ rộng lớn mà chỉ có một mình mình cô đơn trong phần không gian tĩnh mịch không bóng dáng một người nào chung quanh, quên hết tất cả những sinh hoạt thường nhật để biết chỉ có mỗi một mình và biển cả, thật có tiền bao nhiêu cũng không đánh đổi được cảm giác quý báu đó.

Tôi để ra một ngày lái xe đi xem hai thành phố lân cận, Tampa và St. Petersburg. Tampa tuy lớn nhất trong ba thành phố, nhưng không có gì mấy để xem, cảnh cũng không đẹp lắm. St. Petersburg trái lại tương đối tươm tất, nhà cửa nhiều chỗ sang trọng, và có The Pier, nơi tọa lạc một building năm tầng. Tầng trên cùng là một nhà hàng với quang cảnh  bao quát biển cả mênh mông. Cảnh trí ở đây tuyệt đẹp nên hôm sau tôi chở vợ tôi và ba người bạn đồng sự cùng đi dự hội thảo trở lại nhà hàng này ăn tối. Tom và Cathy có óc khôi hài nên buổi ăn tối vui nhộn và thời gian qua rất nhanh. Hôm sau Tom nói với vợ tôi là không ngờ tôi cũng diễu quá, thành ra mọi người không ai có cảm giác ái ngại tuy rằng đây là lần đầu tiên mới gặp nhau.

Họp xong bốn ngày, sáng sớm Thứ Sáu chúng tôi bay đi Houston. Vợ tôi có một cô bạn thân thời học Regina Pacis, TH. Tôi cũng có một người bạn xưa học chung từ năm lớp Sáu đến năm lớp Chín ở Hùng Vương mới tái định cư ở đây nên sẵn dịp trên đường về Los Angeles, chúng tôi ghé ngang đây vài ngày. Phi trường Houston sạch, tân thời  và thật là rộng. Tôi đã sợ Thu Hương  không tìm ra chúng tôi trong đám đông người nên đã định mặc quần tắm Speedo mầu đỏ chói để Thu Hương dễ bề nhận diện, nhưng vì Thu Hương không muốn đóng tiền thế chân cho tôi tại ngoại hầu tra nhỡ tôi bị cảnh sát Houston bắt giam về tội công xúc tu sỉ khi vừa bước xuống phi trường nên tôi đành hủy bỏ ý định đó.

Đường từ phi trường đến nhà Thu Hương mất khoảng 40 phút. Houston là thành phố máy lạnh vì mùa hè khí hậu nóng khắc nghiệt. Nhà Thu Hương ở trong khu sân golf Royal Oaks Country Club, phải qua hai chặng cửa sắt có nhân viên an ninh gác, ấy vậy còn phải đi đến hai cây số  mới đến nhà. Nhà kín cổng cao tường như thế này thì kép nhí nào cũng phải bỏ mạng xa tràng lê xác hấp hối trước ngưỡng cửa rồi tắt thở nói không ra lời khi đến viếng thăm nhà người đẹp. Khu Royal Oaks này thật là to, chắc đến nghìn căn nhà nên Thu Hương lái cho chúng tôi tham quan những biệt thự đắt tiền bạc triệu đô-la, nơi những người làm vườn và người dọn nhà của Thu Hương ở. Nhà Thu Hương cũng khá to, trần nhà hơn ba thước, rất khoảng khoát. Chúng tôi được ở phòng sát bên phòng mẹ Thu Hương. Bà đã được cảnh cáo tôi là người Kim Tuyền phải chặn cửa bằng ghế sắt trước khi đi ngủ nên tôi để ý bà cũng đã để sẵn một chiếc ghế ngay bên trong phòng để chặn cửa phòng bà tối nay.

Địa điểm nhà Thu Hương thật thuận lợi, đi năm phút đã ra đến khu Việt Nam ở dọc theo con đường Bellaire. Buổi trưa Thu Hương cùng bạn là Bạch Hạc chở chúng tôi ra nhà hàng Kim Sơn ăn all you can eat, thức ăn tự chọn. Đất đai ở Texas quá rộng -Texas là tiểu bang đất đai rộng thứ nhì trên nước Mỹ, sau Alaska- nên hàng quán Việt Nam nào cũng to hơn ở California. Chỗ đậu xe cũng thế, khu shopping nào chỗ đậu xe cũng dư chỗ cho một trăm chiếc xe lửa. Nhà hàng Kim Sơn thật đồ sộ, có đến hai tầng. Chỉ đi rảo mắt một vòng trong nhà hàng mà tôi cứ tưởng như mình ở nhà hàng Rex ở Việt Nam: đủ mọi món thức ăn, món nào cũng thất thật là hấp dẫn, tất cả dĩ nhiên được ăn thả cửa: thịt quay, vịt quay, bánh canh, bánh bèo, bún bò Huế, cháo lòng với dầu cháo quẩy, sushi, cơm trứng thịt kho, rau xào,  canh, bò bía, gỏi cuốn, cơm tấm bì, hủ tiếu, thịt xá xíu, tôm chiên...và bao nhiêu món ăn Tầu khác. Điểm tâm thì ngoài bánh ngọt và trái cây, còn có cả chè đậu trắng, chè trôi nước và nước dừa họ để sẵn trong nồi to như quán Ngon ở Việt Nam. Mẹ của Thu Hương tuy đã ngoài tám mươi nhưng khi cô bồi bàn đến hỏi “Bác uống gì?”, chỉ nghe câu trả lời là tôi thấy bà cụ rất tân thời. Phần đông các ông bà cụ già người Việt Nam uống nước trà khi ăn cơm, riêng bà cụ thì khác: “Cho tôi một ly Coke!” Danh tiếng của tôi ăn chè thay cơm chưa gì đã truyền sang tận Texas, bà cụ bảo tôi “Anh Ngọc ăn chè ở đây ngon lắm”, rồi khi đi lấy thức ăn, bà cụ mang trở lại một mâm nhỏ với hai bát chè đậu trắng và chè trôi nước. Thu Hương suýt soa chè trôi nước ở đây rất là ngon, nhưng vợ tôi buộc miệng nói: “Anh Ngọc không thích chè trôi nước lắm.” Thấy bát chè bà mang về bàn, tôi cảm kích chân tình của bà đã dành cho tôi tuy là người xa lạ mãi tận California chưa bao giờ gặp, vừa mới biết tôi thích ăn chè thì đã mang chè đến để mang cho tôi làm tôi nhưng chỉ năm phút sau bà cụ lấy bát chè đậu ăn sạch hết một cách ngon lành. Tôi kinh ngạc cất tiếng phản đối: “Trời ơi, cháu tưởng bác thương cháu nên lấy chè cho cháu ăn mà sao bác lại âm thầm  ăn một mình vậy?” Bà cụ phá lên cười, nói với mọi người: “Anh Ngọc này vui tính quá!”.

Buổi chiều hôm ấy TH mời gia đình họ hàng đến ăn tối. Vợ chồng Cẩm Vân từ California cũng nhập bọn, cùng với hai cô bạn thân của TH cũng ở gần đó: chị Mimi và Bạch Hạc. BH tôi đã gặp khi đi ăn trưa ở nhà hàng Kim Sơn.  Bao nhiêu năm gặp nhiều người đấu khẩu, tôi chưa có dịp gặp đối thủ trên mình cả một trình độ cho đến tối nay. Chị Mimi là cô gái Bắc, đanh đá tôi ước gì đừng gặp mặt. BH là người Huế nhưng nói hao hao tiếng Bắc, giống như người chẳng những biết võ Thái Cực Đạo mà còn biết Thái Lâm Tự nữa. Hai cô này họp nhau lại thì sức công phá không phải chỉ gấp đôi mà là gấp ba, gấp bốn lần. Bao nhiêu chưởng tung tới tấp không ngừng trong suốt buổi ăn làm cả bàn cười rộ. Không biết có phải vì đầu óc tôi phân vân lo nghĩ vì TH dọa sẽ cho tôi ăn mì gói trong suốt thời gian tôi ở đây (tài nấu bếp của TH nổi tiếng khắp thế giới Việt Nam Cộng Hòa) hay vì tôi còn ngại chưa dám giỡn thả cửa với người vừa mới quen biết mà tôi á khẩu không thể nào trả đũa. Mỗi lần tôi mở mồm là bị phản kháng ngay lập tức. Chị Mimi nói: “Mình chặt đẹp. Anh ấy  nói cái gì thì mình chặt ngay liền lập tức”.  Hai cô đe dọa tới tấp “Chưa thằng nào sợ thằng này”, “Già mà bày đặt lớn tuổi” làm tôi mấy lần muốn độn thổ xuống gầm bàn, đầu hàng vô điều kiện. Có ai ngờ đâu ngày hôm nay ở Houston tôi chuốc lấy đại bại, thân bại danh liệt như thế này. Nhưng cũng may buổi ăn có dài đến đâu cũng phải chấm dứt: chúng tôi đến phòng trà Canvas nghe nhạc. Thật là ngộ nghĩnh khi nghĩ đến ở Los Angeles mấy chục năm tôi không bao giờ đi nghe hát, thế  nhưng mỗi lần đi đến những chỗ xa xôi như Sàigòn, Paris, hay bây giờ là Houston, tôi lại cảm thấy thích thú khi đi nghe nhạc với bạn bè. TH và BH lên hát, tiếng hát của hai cô thật là hay. Nhất là BH, giọng ngâm thơ của nàng thật truyền cảm. Không ngờ BH vừa có tài đấu láo mà còn có tài hát nữa.

Ngày hôm sau chúng tôi đi xem Houston Space Center, nơi điều khiển tất cả chuyến bay vào không gian từ Gemini, Apollo…cho đến Space Shuttle bây giờ. Nhờ tài thuyết phục của  Tổng Thống Lyndon Johnson từ năm 1958 (lúc bấy giờ ông ta chỉ là nghị sĩ của tiểu bang Texas), Space Center được hoàn thành tại Houston năm 1961. Xe tramchở chúng tôi đến Mission Control room, phòng điều khiển tất cả các chuyến bay vào không gian (chỉ là một phòng nhỏ trước mặt là nhiều màn ảnh khác nhau để theo dõi phi hành gia trên không gian và nhiều hàng ghế cho nhân viên ngồi), phòng có nhiều mô hình khác nhau của Space shuttle để phi hành gia thực tập, và building chứa lịch sử của hỏa tiễn Saturn mà chúng tôi ngồi trên xe đi luôn, không vào xem. So với bảo tàng viện về máy bay ở Washington DC thì Houston Space Center là một thất vọng, không có gì nhiều để xem.

Buổi chiều khi vợ tôi đi shopping với TH, tôi hẹn gặp Sơn là bạn học cũ ở Hùng Vương. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Sơn sau gần 35 năm xa cách. Xa nhau từ thời niên thiếu, bây giờ gặp lại nhau đứa nào cũng muốn xem đứa kia đã già đến chừng nào. Và cũng như những bạn khác sau khi có dịp gặp gỡ, tôi vẫn giữ chức vô địch già nhất vì mái tóc của tôi bây giờ đã gần hết tiêu, chỉ còn muối.

7 giờ 30 tối  Thu Hương  và vợ tôi trở lại đón tôi đến nhà Bạch Hạc ăn tối. Nhà BH lái xe  khoảng chừng 25 phút từ khu Việt Nam Bellaire. Căn nhà thật đồ sộ từ bên ngoài. Nhìn bên ngoài ai cũng đoán bên trong to khủng khiếp. Bước vào trong nhà, quả thật không sai: bên trong rộng 8000 feet vuông (740 thước vuông) ! Đằng sau là một cái hồ nhân tạo khá to, nhà nào nhà nấy do đó phần sau đều nhìn ra hồ.  Khi TH nói giá nhà, bụng tôi đau quặn thót vì giá nhà ở Houston rẻ bằng nửa ở California!  Ấy là nhà đắt tiền giá từ nửa triệu trở lên. Còn những căn nhà mới xây ở Houston giá $200,000, ở California sẽ đắt ít nhất gấp ba lần, khoảng $600,000.   Thấy vợ chồng Cẩm Vân  và vợ chồng tôi “ngây ngất” trước căn nhà vĩ đại với hồ bơi lớn gấp hai lần hồ bơi của nhà tôi ở California, TH  và BH bèn mở màn chiêu hồi chiêu dụ con chiên lạc lối tung cánh chim tìm về tổ ấm, khuyến dụ tôi dọn về Houston ở gần hai nàng: bán nhà ở California, mua nhà ở đây to hơn mà còn dư tiền bỏ vào nhà băng. Texas không có thuế lợi tức tiểu bang, thức ăn lại rẻ hơn California có lẽ một tám, một mười. Có một căn nhà trong khu BH đang đăng bản bán, hình như  6000 feet vuông thì phải, giá chỉ có $900,000!

Houston nhà cửa tương đối rẻ nên người Việt ở khắp mọi nơi thi đua nhau dọn về đây ở. Người Việt ở California mới lập nghiệp, hay không nhiều lợi tức chưa mua được nhà, dọn về Houston cũng nhiều. Riêng trường hợp tôi, đã mọc bao nhiêu rễ ở California nên còn phải nghĩ đến những bất lợi khác nếu dọn về Houston: thuế bất động sản đắt gấp ba lần, tiền bảo hiểm nhà đắt hơn hai lần. Houston biển xấu, không có danh lam thắng cảnh, cũng chẳng có chỗ đi giải trí nhiều như California. Nhà tôi bước chân ra là có thể đi leo núi hoặc lái xe bốn mươi phút đã ra đến biển. Khí hậu ở miền Nam California rất ôn hoà, có thể nói là một trong những nơi có khí hậu tốt nhất trên thế giới. Bao nhiêu lợi điểm California có, cộng thêm một điểm nữa khiến tôi nhất định không thể nào di cư đi Texas: không ai dại gì mang thân  vào vùng đất địch. Ở cạnh chị Mimi và Bạch Hạc thì không khác gì như phi công Nhật Bản tự sát kamikaze vào chiến hạm Hoa Kỳ.  

Sáng Chủ Nhật sau khi ăn ở phở Danh với Thu Hương và BH, Thu Hương chở chúng tôi ra phi trường. Tôi đã đặt cọc mướn xe ở phi trường Houston, nhưng Thu Hương bảo tôi hủy bỏ để nàng  chở đi đây đó, và bây giờ phải nhọc lòng chở chúng tôi lại ra phi trường. Không biết có phải vì nàng sợ khi tôi lái xe mướn chạy quá tốc độ 20 miles một giờ trong khu nhà của nàng thì chủ nhà sẽ phải đóng tiền phạt là 100 đô-la, nhưng cái chân tình của Thu Hương đưa đón làm tôi thật cảm động. Chỉ trong vòng mười tháng mà tôi mục kích được ân tình quý báu của bao nhiêu bạn bè.
  
Danh lam thắng cảnh cho dù đẹp đến đâu cũng chỉ làm cho mình trầm trồ khen ngợi, nhưng nó không gây động được xúc cảm lâu dài trong lòng người. Ngược lại khi bạn bè gặp nhau, không cần thiết là ở nơi bàn ăn đấu võ mồm để cười đùa nghiêng ngửa, hay trong phòng khách thức khuya đến một hai giờ sáng nói chuyện tâm tình, hoặc ở những trung tâm shopping sắm hàng giung giăng giung giẻ, hay bên bếp núc cùng nhau sửa soạn nấu nướng những món ăn… tất cả những tình cảm mật thiết đó mới tạo nên những xúc động tồn tại mãi mãi trong lòng người. Đó là lý do tại sao đến thăm một thành phố nào mình có bạn thì luôn luôn vui hơn đến thành phố mình không có người quen biết. Vì như thế mà cho dù Houston không có gì khác để  thu hút du khách,  chỉ bạn bè thôi cũng đủ là lý do duy nhất để thế nào một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Houston.

Tài Ngọc

                                                         Clearwater


                                                       Tampa


                                            Space Center – Houston


                                             Thu Hương - Bạch Hạc  
TÔI ĐỌC TIẾNG VIỆT

Nguyễn Tài Ngọc


Tôi ít vào internet đọc website tiếng Việt Nam, lý do là tôi không đọc tiểu thuyết, không nghe nhạc, không muốn xem chuyện vớ vẩn xe cán chó, chó sinh con. Thỉnh thoảng bạn bè chuyển tiếp tin tức liên hệ đến Việt Nam  hoặc chuyện ngộ nghĩnh thì vào đọc một tí rồi thôi. Tin tức thì vào website tiếng Anh đọc cho dễ hiểu chứ vào website tiếng Việt ở Việt Nam thì  đọc xong lần nào tôi cũng ngẩn tò te. Không biết có phải đỉnh cao trí tuệ của tôi càng ngày càng chìm xuồng, hay vì lối dùng văn của những nhà văn bút Việt Nam bây giờ quá siêu phàm  nêndân ngu mông đen như tôi không thể nào thấm nhuần tư tưởng (tác giả tình nguyện sửa đổi và tự ý đục bỏ chữ dùng nguyên thủy của câu thành ngữ này, e rằng xâm phạm thuần phong mỹ tục, có hại đến nền văn hóa Việt Nam).  
Nhạc sĩ Anh Bằng viết bài nhạc Nỗi Lòng Người Đi rất nổi tiếng: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười sáu  khi vừa biết yêu, đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái tôi đong thật đầy”. Trong khi đó, tôi xa SàiGòn năm lên mười bẩy, không phải khi vừa biết yêu (tôi biết yêu năm lên mười một tuổi), nhưng khi vừa học xong chữ nghĩa tiếng Việt Nam, đủ dùng trong cuộc đàm thoại thông thường khi mua bánh mì của bà Ba bán bánh mì hay mua chè của bà Tôm Càng để họ hiểu mà bán đúng món. Lúc mới sang Mỹ độ vài tháng, tôi quá tự phụ vào sức học của mình,  nghĩrằng chỉ cần ở Mỹ mười năm sau là tôi sẽ nói tiếng Anh như gió. Ai ngờ rằng cái trí thông minh mà tôi tưởng bao la như hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm gần sở thú nó lại nhỏ hẹp như đĩa bò khô đu đủ ở bưu điện.34 năm sau sống trên nước Mỹ, tôi không nói tiếng Anh như gió mà nói tệ như chị Sáu bán bar có chồng là người Phi Luật Tân trong xóm Bàn Cờ cũ của tôi. “Hó nì, Ốp bần đo. Ai guệt loong tai. (Honey, open door. I wait long time)”. Tiếng Anh tôi đã nói dở hơi, tiếng Việt tôi lại ít cơ hội dùng vì không có môi trường để hòa đồng nên nó cũng dở hơi không kém, chữ dùng thiển cận, câu văn kém phong phú, về Việt Nam vào tiệm mua đĩa bánh cuốn có thể họ không hiểu mà lại dẫn mình đến cửa hàng đấm bóp cao cấp.
Trong cùng một quốc gia, chữ dùng của địa phương có thể khác nhau (bát/chén, ốm/bệnh, muỗng/cùi-dìa,  đi te rẹt/đi công chuyện), thế nhưng căn bản văn phạm và cấu tạo câu văn không thay đổi. Vì thế mà mặc dù khả năng tiếng Việt của tôi bây giờ xuống còn trình độ nguy cập tía em hừng đông đi cày bừa, đọc thấy sự thay đổi trong cách dùng tiếng Việt ở Việt Nam làm tôi  không cách nào tránh khỏi niềm ước ao ra tiệm tạp hóa Chú Quay mua vài viên thuốc an thần búa bổ đầu người uống để khỏi đỡ nhức đầu.
Tôi vào một website thông tin văn hóa Việt Nam đọc một vài bản tin và tiết mục. Không những vài chữ dùng khác lạ mà cách hành văn, cấu trúc câu văn cũng không theo đúng văn phạm Việt Nam: muốn chấm thì chấm, muốn phẩy thì phẩy, ý tưởng tối tăm, ngắt quãng loạn xạ. Viết văn bình thường cho nhau xem có sai cũng không ai chỉ trích, đằng này là nhà báo câu văn viết không đúng tiêu chuẩn thì người khác đọc xong sẽ viết lách ra sao?
Tất cả câu văn sau đây tôi trích ra từ một bản tin về bão đến miền Trung với tựa đề “Tối tăm mặt mũi vì giá đội trời sau bão”.
“Tối tăm mặt mũi vì giá đội trời sau bão”
Đây là tựa đề bản tin. Tựa đề là tinh túy của bài văn, tại sao dùng chữ tầm thường và dài dòng “Tối tăm mặt mũi” mà không dùng chữ “khốn khổ”? Tôi đọc chữ “sau bão” mà khựng lại một vài giây vì tối nghĩa. Tại sao lại không thêm vào mạo từ “cơn” trước chữ “bão” cho sáng nghĩa? Ý tôi nên đổi tựa đề đó như thế này (“giá đội trời” là từ dùng sau 1975): “Khốn khổ vì vật giá leo thang sau cơn bão”.
Ông Nguyễn Hồng, ở vùng đông Tam Kỳ cho biết, ngôi nhà của ông bị bão cuốn toàn bộ mái lợp. Đã 3 ngày qua túc trực tại xưởng tôn xà gồ trên đường Phan Bội Châu, nhưng ông vẫn không mua được.
Cả mệnh đề “ở vùng Đông Tam Kỳ” là trạng từ bổ nghĩa cho danh từ riêng, Ông Nguyễn Hồng. Ông Nguyễn Hồng ở đâu? Ở vùng Đông Tam Kỳ. Dấu phẩy do đó phải đánh ở sau chữ “Kỳ”, không thể nào sau chữ “biết”. Câu thứ nhì vừa phạm luật liên tục đọc nghe ngắt quãng, vừa tối nghĩa. Ông vẫn không mua được cái gì? Tôn để lợp nhà hay cả một ngôi nhà khác? Ý tôi nên sửa lại như thế này:
Ông Nguyễn Hồng, ở vùng Đông Tam Kỳ, cho biết ngôi nhà của ông bị bão cuốn toàn bộ mái lợp. Mặc dù đã túc trực ba ngày liền tại xưởng tôn xà gồ trên đường Phan Bội Châu,  ông vẫn không mua được một tấm tôn.
“Tuy vậy, do đường bị tắc trong những ngày qua, nên các mặt hàng trên đang thiếu trầm trọng, không có mà bán.”
Câu này luộm thuộm, sao không viết ngắn gọn như thế này:
“Các mặt hàng trên thiếu trầm trọng không có để  bán vì lý do giao thông gián đoạn.”
“Nóng không kém gì vật liệu xây dựng là rau xanh.”
Tôi đọc câu này hai lần mới hiểu ý người viết muốn nói gì. Chữ “Nóng” dùng ở đây không phải chữ nóng theo nghĩa nóng/lạnh mà là chữ dịch ra từ tiếng Anh, có nghĩa là cần khẩn cấp. Tiếng Việt ta có chữ “khan hiếm” rất chỉnh, tại sao dùng chữ “nóng” của tiếng Anh, cầu kỳ hóa một câu văn hoàn toàn không cần thiết? Hơn nữa, chữ  này là tĩnh từ, cần phải đi theo một danh từ, sửa lại như sau đây mới đúng:
“Món hàng khan hiếm trầm trọng không kém là rau xanh.”
“Trước tình hình các mặt hàng thiết yếu trong xây dựng tăng, sáng 1/10, Sở Thương mại đã thành lập các đoàn kiểm tra về giá tại các cơ sở kinh doanh.”
Chữ “xây dựng tăng” phạm luật cân xứng khi viết văn. Nếu chữ trước là danh từ kép thì chữ sau cũng phải kép. Khi đàm thoại, ta có thể nói “giai nhân đẹp”, “đất đai tốt”nhưng khi viết, ta phải viết “giai nhân mỹ miều”, “đất đai trù phú” để  đọc cho xuông tai.  Tại sao lại có dấu phẩy sau chữ “sáng 1/10” khi câu mới bắt đầu chưa hết ý? Tại sao lại dùng giới từ “về” cho câu văn thêm rườm rà? Ý tôi nên sửa lại như thế này:
“Để đối phó với tình trạng vật liệu thiết yếu về xây cất tăng giá, sáng 1/10 Sở Thương mại đã thành lập đoàn kiểm tra giá cả tại các cơ sở kinh doanh.”
“Lão ngư Lê Văn Hoàn cho biết…”
Tôi để ý người Việt Nam dùng tiếng Hán, tiếng Nôm, tiếng ..Kampuchea đảo ngược vị trí lẫn lộn, không theo một thứ tự nhất định nào. “Lão”, “Ngư”, cả hai đều là chữ Hán, nhưng không dùng chung với nhau. Tiếng Việt phát xuất từ tiếng Hán nên hai ngôn ngữ có nhiều điểm tương đồng, thế nhưng khi tiếng tĩnh từ bổ nghĩa cho danh từ thì ta lại giống Pháp, khác hẳn Anh hay Trung Hoa. Ta và Pháp nói : Mây trắng, Nuage blanc, nhưng Anh và Trung Hoa đổi ngược vị trí của tiếng tĩnh từ: White cloud, Bạch vân. Do đó, người đánh cá chữ Hán là ngư ông, ông lão đánh cá tiếng Hán là ngư phụ. Nếu muốn nói một người già đánh cá thì dùng chữ Việt “bác đánh cá, ai cũng hiểu, tại sao lại dùng tiếng Hán nửa chừng xuân như thế làm gì?
 Ông Nguyễn …… khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh tự ý nâng giá sau bão lũ. Bằng mọi giá sẽ bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu.”
Sau 1975, chữ “xử lý” thông dụng hơn chữ “get” của Mỹ. Cái gì cũng xử lý, tình huống  gì cũng xử lý. Vợ chồng tôi ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, thế mà đi Việt Nam về chỉ lần đầu tiên thôi mà cái chữ xử lý nó lây vào vợ tôi như là lây bệnh dịch tả. Khi nghe nàng nói:  Em sẽ xử lý anh”, thế nào hôm đó tôi cũng bị khiển cáo. Do đó,  tôi sợ còn hơn  tù nhân sắp sửa bị đem  ra pháp trường hành quyết mỗi khi nghe nàng đề cập đến chữ “xử lý”. Nhưng một hôm sau khi nghe nàng nói “Em sẽ xử lý anh tối nay”, tối hôm ấy từ lúc ăn cơm chiều  đến khi đi ngủ tôi sợ vãi đái ra quần, ăn ngủ không yên, không biết sẽ bị nàng chửi như thế nào thì cái hình phạt nàng xử lý đêm hôm đó lại khác, tôi hoàn toàn không bị rủa xả gì hết, mà lại ...sướng. Vì vậy, tôi cứ ước mong nàng xử lý tôi mãi như thế. Chữ “xử lý” trong câu này tôi nghe không quen tai vì sống ở hải ngoại. Chữ “nghiêm” sau chữ “xử lý” phạm lỗi cân xứng. Câu thứ nhì “Bằng mọi giá..” không có chủ từ, do đó phải bỏ dấu chấm trước chữ “Bằng”. Câu này nên đổi:
“Ông Nguyễn ….…  khẳng định sẽ kiên quyết dùng biện pháp nghiêm trọng với   các cơ sở kinh doanh tự ý nâng giá sau bão lũ và bằng mọi cách sẽ bình ổn giá thị trường cho các mặt hàng thiết yếu.”
Đây là tựa đề bốn bản tin mà chủ từ đảo ngược, đọc tối nghĩa. Trường hợp đảo ngược này đôi khi được những thi sĩ  điêu luyện dùng trong thơ. Dùng trong văn viết thì tôi thấy hơi …quái đản, thế mà không hiểu tại sao rất nhiều website Việt Nam lại dùng lối đảo ngược chủ từ này:
-Ngộ nghĩnh chợ Trung thusớm.(nên viết “Chợ Trung Thu ngộ nghĩnh khai trương” .Tại sao chợ Trung Thu ngộ nghĩnh tôi cũng chả hiểu)
-Gập ghềnh đường đến trường.(nên viết “Đường đến trường gập ghềnh”)
-Tù mù chức trách, thanh tra công vụ không thể nhập cuộc. (Nhà chức trách lờ mờ khiến thanh tra công vụ không thể nhập cuộc)
-Nở rộ phụ huynh sắm máy tính cho trường học.  (Theo một anh bạn tôi ở Việt Nam, “nở rộ” có nghĩa là hào hứng. Thế thì tại sao không viết  Phụ huynh hào hứng sắm máy tính cho trường học?)
Bốn năm trước khi tôi về Việt Nam, đi xe hơi từ SàiGòn về Vĩnh Long, trên xa lộ cứ cách nửa cây số là có một bảng to bằng Vạn Lý Trường Thành cắm dọc theo lề đường với hàng  chữ “Luật lệ giao thông bắt buộc phải đội mũ an toàn đối với người lái xe gắn máy”. Một câu thật đơn giản mà họ lại viết quá rườm rà, mệnh đề đổi ngược. Câu ấy đáng nhẽ nên viết như thế này: “Luật giao thông bắt người lái xe gắn máy phải đội mũ an toàn”. Đọc nghe có phải xuôi tai hơn không?
Có nhiều tiếng ngoại quốc dịch ra tiếng Việt Nam tôi đọc nghe không hiểu hay quá ấu trĩ. Các cụ ta ngày xưa không dịch nhưng âm hóa tiếng ngoại quốc, biến “savon” thành “xà-phòng”, “bougie” thành “bu-gi”, “cyclo” thành “xích-lô”, manchon” thành đèn “măng-xông” …Những chữ ấy thông dụng cho mãi đến bây giờ. Không phải chỉ riêng mỗi một nước Việt Nam mới có vấn đề nan giải tìm tiếng nước mình để đặt tên cho một sản phẩm mới của Anh, Mỹ hay Pháp. Chữ “taxi” tiếng Anh được nhiều quốc gia nhất trên thế giới dùng nó là ngôn ngữ riêng của mình.Vì thế mà tôi nghĩ người Việt Nam không nên dịch digital camera là máy ảnh kỹ thuật số,  scanner máy quét, radio là cái đài …..
Chữ  nào của Anh hay Pháp mà mình có chữ tương tự thì không nên dùng chữ của họ. Ở Việt Nam, trong tất cả nhà ăn ở trường học và bệnh viện, tôi đều thấy có bảng treo hàng chữ : “Căn-Tin”. Tôi thật tình không hiểu tại sao mình không dùng chữ “Nhà Ăn” mà lại dùng tiếng ngoại quốc?Nếu muốn dùng chữ ngoại quốc để cho khách nước ngoài hiểu (ở phi trường chẳng hạn), thì nên dùng chữ cafeteria  vì “căn-tin” không đúng nghĩa. “Căn-tin” nguyên thủy từ chữ Pháp Cantine, Mỹ viết là Canteen. Cantine  là nhà ăn trong một căn cứ quân sự, hoặc cũng có nghĩa là nhà ăn xây dựng tạm thời trong một trường hợp tai biến khẩn cấp nào đó. Trường học, nhà thương… không phải là căn cứ quân sự, và nhất định nhà ăn bây giờ là vĩnh viễn trong những cơ sở này, không có vẻ gì là tạm thời và do đó không thể nào là “căn-tin” được.
Việt Nam bây giờ dùng nhiều chữ lạ nghĩa so với trước 75:
-Khả năng (trước 75: sức có thể làm được, sau 75 :a. có thể xẩy ra (bão có khả năng đổ bộ vào đất liền, khả năng dây điện làm chết em bé học sinh), b. sức có thể làm được)
-Liên hệ (trước 75, liên lạc)
-Biên chế (a. chính thức, b. sắp xếp lực lượng)
-Bức xức (khó chịu, cần giải quyết ngay)
-Sự cố (hỏng, trở ngại, hiện tượng bất thường không hay xẩy ra)
-Tranh thủ (trước 75: cố gắng)
-Hệ quả (hiệu quả)
-Chất lượng (trước 75, phẩm chất)

Đã có nhiều email trên Internet giải thích ý nghĩa không chỉnh hoặc không ổn tai của những chữ này và nhiều chữ khác nên tôi không muốn lập lại ở đây, thế nhưng chữ “chất lượng” tôi nghe ngứa tai nhất. Thí dụ như trong câu: “Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thìn phản ứng khá gay gắt về chất lượng của những ảnh đã đoạt giải danh dự.”  

Trước 75 người Việt Nam đã dùng chữ đúng nghĩa là “phẩm chất”. Phẩm chất là quality, qualité, không có lượng, không xác định được bằng một con số cụ thể.Lượng là mức độ nhiều ít, có thể xác định được bằng một con số cụ thể, quantity, quantité. Phẩm chất không cần chất lượng để xét đoán phẩm chất. Do đó phê bình đến cái phẩm của một vật gì mà bao gồm cả chất lẫn lượng là sai hoàn toàn.

Tôi đồng ý chữ quốc ngữ không phong phú nên đôi khi cần chữ Hán Việt để ý nghĩa được minh bạch, thế nhưng  tạisao mình dùng chữ Hán khi tiếng Việt mình không thiếu? Thí dụ như chữ “sự cố”: “Xe tôi bị hỏng”, nghe không rõ nghĩa hơn là “Xe tôi có sự cố” sao? Máy bay của hãng Japan Airlines vừa phải hạ cánh khẩn cấp vì động cơ trục trặc”, nghe không hay hơn “Máy bay của hãng Japan Airlines vừa phải hạ cánh khẩn cấp vì động cơ gặp sự cố” sao?

Một chữ Việt Nam nữa tôi thấy hay là “nhà thương” (thươngở đây là thương người, không phải bị thương).  Trước và sau 75 mình đều dùng chữ Hán, “bệnh viện”.Cả chữ hospital của Anh và hôpital của Pháp đều từ tiếng gốc Latin có nghĩa là quý và tử tế với khách thân cũng như khách lạ, như trong chữ Anh hospitality. Hospital là nơi săn sóc bệnh nhân. Chữ nhà thương dịch rất đúng và sát nghĩa, mình không dùng mà lại dùng chữ bệnh viện, đọc nghe rởn da gà như xem chương trình lúc 0 giờ.

Viết văn, nhất là tiếng Anh, mất thì giờ vì phải tra khảo tự điển xem chữ viết có đúng chính tả hay không. Người viết cho báo chí hay websites lại càng phải cẩn thận tra cứu kỹ lưỡng chữ dùng trước khi bài viết được đăng tải. Ấy thế mà họ hay ghép một chữ của hai danh từ đơn hay kép khác nhau để thành một từ mới với hai chữ, tôi cắn răng buộc bụng đốt đèn dưới ánh trăng để tra tự điển tiếng Việt của nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội mà vẫn không tìm ra nghĩa:
-Gói kích cầu (tôi đoán là kích thích nhu cầu?)
-….tạo được đồng thuận (tôi đoán là đồng ý thuận hòa?)
- Quy chụp, nâng quan điểm là bóp chết sáng tạo! (Quy chụp: Chữ này thì tôi thua, chụp hình để quy y?)

Phê  bình người viết văn trong nước mà không chỉ trích cái sai của người Việt hải ngoại thì không quân bình. Báo chí Việt Nam ở  đây có một câu làm tôi khó chịu nhất, không thua gì chữ “chất lượng”, trong phần quảng cáo bán nhà: “Nhà Bán Bởi Chủ”.Tiếng Việt Nam không có thể thụ động. Mình  nói : “Con mèo ăn con chuột”, không ai nói “Con chuột ăn bởi con mèo”.  Nhà làm sao “bị” bán bởi chủ được? Do đó, phải nói: “Nhà chính Chủ bán”.

Tiếng Việt Nam rắc rối vì không có sự đồng nhất của mọi người đồng ý dùng theo một tiêu chuẩn nhất định. Thật ra, khó có sự đồng nhất vì tiếng nước ta nghèo nàn không phong phú như chữ Hán: họ có thể ráp hai chữ để tạo thành một chữ mới (chữ minh –sáng- là do hai chữ nhật –mặt trời-, và nguyệt – mặt trăng- ghép lại), hoặc họ chỉ quẹt thêm một, hai gạch nữa là thành chữ khác (chữ nhất, quẹt thêm hai gạch thành chữ tam). Tôi có ý định tương tự như ông Alexandre de Rhodes, cải cách chữ quốc ngữ lần thứ nhì cho ngôn ngữ Việt Nam phong phú hơn. Thí dụ như chữ mông, quẹt thêm một gạch tương tự như dấu sắc sẽ trở thành thiếu mông (có nghĩa là xấu), thêm gạch tương tự như dấu huyền trở thành  nhiều mông(mập), thêm gạch tương tự như dấu nặng trở thành xẹp mông (gầy), thêm gạch tương tự như dấu hỏi trở thành đủ mông (đẹp), thêm gạch tương tự như dấu ngã trở thành vỡ mông (đau), thêm gạch tương tự như dấu ê trở thành ê mông(tê)…..Tôi đã chủ tâm hoàn thành việc cải cách chữ quốc ngữ vô tiền khoáng hậu này trong vòng mười năm nữa, thế nhưng cứ theo đà một tuần vợ tôi đòi xử lý tôi mấy lần vào ban đêm thì đến khi người ở hành tinh khác phát hiện ra trái đất, chưa chắc gì tôi đã thực hiện xong hoài bão.

Nguyễn Tài Ngọc

 

CRUISE MEXICO, MEXICAN RIVIERA

Nguyễn Tài Ngọc




Từ xưa đến nay tôi không  thích đi cruise vì sợ giam mình vào một chỗ mấy ngày liên tiếp cùng với cả nghìn người từ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ tướng cướp Bạch Hải Đường đến phi hành gia Neil Armstrong cực kỳ xì-mạc, thế nhưng thật là khó tin chỉ sau khi đi chuyến cruise lần đầu tiên trong đời vào tháng 7, ba tháng sau vợ chồng tôi lại đi chuyến cruise thứ nhì từ hải cảng Los Angeles đến ba thành phố Puerto Vallarta, Mazatlan, Carbo San Lucas ở ven biển phía Tây của Mễ Tây Cơ, Mexican Riviera. Chuyến cruise đi bẩy ngày, khởi hành từ 4 giờ chiều Thứ Bẩy, trờ về lúc 7 giờ sáng Thứ Bẩy tuần sau. Chủ Nhật, Thứ Hai và Thứ Sáu lênh đênh trên biển. Thứ Ba, Tư, Năm ghé bến. Quãng đường khứ hồi là 2617 miles, 4210 cây số.

Cùng đi với chúng tôi lần này là vợ chồng anh tôi, anh Trúc & chị Lan ở Anaheim, và vợ chồng anh Hân & chị Châu từ San Jose. Ra phi trường Burbank đón anh chị Hân, máy bay bay không đến một giờ đã hạ cánh, chưa đủ thì giờ cho hành khách ăn nốt gói đậu phọng Southwest Airlines làm ơn làm phước biếu không cho hành khách đi máy bay của hãng mình. Từ đó chúng tôi lái xuống nhà anh tôi ở Anaheim và rồi cả bọn trực chỉ hải cảng Los Angeles, Berth số 93 ở World Cruise Terminal, nơi tầu Sapphire của hãng Princess chờ đón khách để khởi hành lúc 4 giờ chiều.
Tuy rằng gần 2,600 hành khách sẽ lần lượt đến để lên tầu, thủ tục làm giấy tờ của Công An Cửa Khẩu (ấy chết, xin lỗi quý độc giả đã dùng chữ sau 1975, thảo nào vừa viết xong đọc lên tôi đã nghe thấy rợn người), của Quan Thuế, việc khảo sát giấy tờ rất nhanh chóng. Trên tờ giấy liệt kê các bệnh trạng, người nào điền vào không bị bệnh tương tư là a lê hấp, tiến ngay đến quầy của hãng cruise Princess để họ phát cho một thẻ như là thẻ tín dụng -credit card-  rồi lên thẳng vào tầu. Khi ở trên tầu, khách hàng dùng thẻ này thay vì dùng tiền để mua sắm tất cả mọi sự.
Hầu hết tầu mới sau này đều thiết kế tương tự như nhau: một, hai tầng cao nhất là hồ bơi, gym, golf, paddle tennis, tường trèo, sân chạy bộ, nhà hàng… Sáu, bẩy tầng kế tiếp là phòng ngủ.Hai, ba hay bốn tầng kế tiếp là nhà hàng, rạp ciné, phòng nghe nhạc, internet, phòng làm đám cưới, quầy bán rượu, phòng  đánh bài, phòng chơi video, thư viện, cửa hàng bán đủ mọi thứ ngoại trừ bánh rê bánh cay…Sau những tầng này lại là một hai tầng phòng ngủ nữa. Phòng ngủ có nhiều loại, và dĩ nhiên giá cả khác nhau. Từ phòng đắt nhất to như một mini suite có hành lang nhìn ra biển đến phòng trung bình có cửa sổ, hoặc rẻ hơn, bít bùng. Muốn phòng vừa rẻ vừa có biển bao bọc bốn bên cũng có: họ cho mình lên một cái phao nổi, buộc dây vào tầu lớn, khi chạy thì nó kéo đi. Dĩ nhiên mua vé loại này thì tính mạng mình không ai bảo đảm, huống chi là nói đến vấn đề ăn uống.
Chiếc tầu Sapphire này có đến chín nhà hàng: Hai nhà hàng loại buffet all you can eat mở 24 giờ một ngày: một đầy đủ tất cả các loại thức ăn, một là món ăn truyền thống của Mỹ như hot dog, hamburger, pizza, gà nướng.  Bốn nhà hàng loại có người hầu bàn đến phục vụ, món ăn hạn chế một món trên menu, mình phải gọi đặt chỗ mỗi khi muốn đi ăn. Một là nhà hàng loại “shang” trọng có người hầu bàn mỗi tối mình đến ăn vào giờ đã ấn định sẵn, trường hợp chúng tôi là 5:45 chiều. Nếu không muốn ăn ở nhà hàng  này vào giờ cố định mỗi tối, mình có thể đi bốn nhà hàng khác vào bất cứ lúc nào. Có hai ngày khách đến ăn phài mặc quần áo “nịch” sự, đàn ông áo vest hay tuxedo. Tất cả nhà hàng đều miễn phí. Nếu ai có tiền không biết để đâu cho hết thì có thể vào hai nhà hàng khác lịch sự thứ thật: mỗi người phải trả $25 dollars. Nước uống thì chỉ có nước lạnh (nước rô-bi-nê, tap water) là miễn phí, còn thì tất cả đều tính tiền. Cả chiếc tầu của hãng Princess tầu trước tôi đi của hãng Carnival đều âm mưu ám muội vào buổi ăn tối. Trước khi dùng bữa, họ hỏi mình dùng nước loại gì, nước trong chai hay nước “chích” có hơi, loại Perrier mà không nói cho mình biết là cả hai đều tốn tiền (ngược lại, nước tap water thì miễn phí). Ở khách sạn room service đắt hơn một tháng lương công nhân nhưng ngoài tiền $3 dollar service charge, room service trên tầu hoàn toàn miễn phí. Nếu không nuốn đi ăn nhà hàng thì khách tha hồ ở trong phòng gọi thức ăn cho họ mang đến.
Nhét 2600 người vào một chỗ không có gì cho họ giải trí chẳng chóng thì chầy cái tầu Sapphire sẽ trở thành nhà tù  Bastille đánh dấu sự mở đầu  cho cuộc nổi loạn của người Pháp vào tháng 7 năm 1789. Ngoài những  ngày tầu cặp bến vào ba thành phố Puerto Vallarta, Mazatlan, Carbo San Lucas cho khách mạo hiểm đất lạ, trên tầu có bao nhiêu là sinh hoạt khác nhau: gym, hồ bơi (tầu này có cả chục hồ bơi và spa, một hồ bơi là indoor vì nó đi cả Alaska), đấm bóp, đường chạy bộ, golf, miniature golf, paddle tennis, ciné, đánh bài, video games, karaoke, trò chơi đủ loại, nhiều ban nhạc khác nhau chơi đủ loại nhạc sống, học nhẩy đầm, nắn vôi, ban đêm thì có ca vũ nhạc, ảo thuật, hề chọc cười, … xem như không thiếu một món gì. Ở nhà tôi không bao giờ nghe nhạc, đi xethỉnh thoảng   nghe một lần, ấy thế mà khi ở trên tầu tôi lại rất thích đi nghe họ đàn hát. Lý do thứ nhất là vì ghế salon ngồi quá ư là êm mông, thứ hai là những ban nhạc trên tầu không chơi nhạc điên rồ bây giờ ca sĩ hét lời tôi nghe không hiểu mà chơi nhạc êm dịu: một ban nhạc Mariachi người Mễ, một ban nhạc jazz, một ban nhạc trẻ người Anh chơi nhạc thời 1960 và 1970.  Giống như chúng ta nghe nhạc Việt xưa cũ làm mình nhớ lại một quãng thời gian nào đó trong quá khứ, thời điểm 1975-1977 tôi mới sang Mỹ sống nơi đất lạ quê người nhớ nhà, nhớ quê hương nên những bản nhạc Mỹ thời bấy giờ như những lọ đèn thần giữ năm tháng mang tôi vượt qua bức tường thời gian trở lại đúng cái cảm giác buồn man mác hơn ba mươi năm về truớc.  Ban nhạc trẻ người Anh chơi bản nhạc Hotel California, nổi tiếng vào năm 1977 tôi nghe không biết bao nhiêu lần trên radio, hai ngày ngồi nghe họ đánh đàn không thua gì bản nhạc nguyên thủy làm tôi nghĩ chỉ nghe họ chơi bản nhạc này là cũng đã bõ tiền đi cruise :
(Điệp khúc):
Welcome to the hotel Caifornia,
Such a lovely place.
Such a lovely place.
Plenty of room at the hotel Califonia
Any time of year, you can find it here.

Giống như casino ở Vegas dụ mình đến ở khách sạn giá rẻ nhưng hy vọng sẽ lấy tiền lại khi mình thua bài, hầu như tất cả dịch vụ cung ứng giá tiền trên tầu chém thẳng tay. Internet 75cents/ 1 phút, mua tối thiểu $55. Đi đâu họ cũng chụp hình mình,  một tấm 8 x 10 giá $20.  Tầu chỉ chở khách đến bến. Muốn xem thắng cảnh, lặn hụp, câu cá… cả chục chuyến du lịch khác nhau đều tính tiền. Cách rẻ tiền nhất là khi xuống bến mình tự tìm người địa phương, trả giá chỗ nào mình muốn đi. Ở Puerto Vallarta, anh Hân và tôi trả giá với một anh người Mễ chở chúng tôi đến một bãi biển của người địa phương, chở và đợi chúng tôi xuống biển chơi rồi chở lại về tầu, cho dù mọi người ngăn cản. Khi xe chạy  xathành phố vào khu rừng rậm cây cối um tùm người ở thưa thớt, mọi người trong xe lên ruột,  mặt xanh như tầu lá nghĩ rằng mình đi không hẹn ngày về vì anh ta chở mình đến một nơi thanh vắng cho mấy người Mễ buôn lậu bạch phiến nổi tiếng thế giới bắt làm con tin.  Ở Mazatlan, vừa bước ra khỏi cổng an toàn phạm vi của tầu, bước vào đường xá trong thành phố  vớicả dân số nước Mễ bu quanh chúng tôi gạ chở đi xem thắng cảnh, một ông già chống gậy đi đứng khập khễnh ráng thuyết phục chúng tôi đi xe van của ông ấy. Sau khi thỏa thuận giá cả, ông ta bảo chúng tôi đứng chờ để đi lấy xe ở góc đường. Vừa bước đi vài bước, cái chân bị tật của ông ta vấp phải đá làm ông ta ngã chúi xuống đất. Mọi người hùa nhau đến đỡ ông ta dậy. Nhìn bộ mặt khẩn trương và đoán được ý nghĩ do dự  của chúng tôi không biết có nên đi với ông ta hay không khi thấy cánh tay bên phải của ông ta đầy máu, ông ta phân trần lớn tiếng: “Don’t worry senor,  I’m not driving. I have a driver who will drive. I just come along with you guys”. Ai nấy cũng kinh hoảng khi thấy máu trên cánh tay ông ta chẩy mỗi lúc càng nhiều, nhưng tôi thì lại thấy một dịp may. Trên đường đi xe ông ta có ngủm củ tỏi vì bị nhồi máu cơ tim thì tôi khỏi phải trả tiền!

Phòng ngủ trên tầu tuy không to bằng khách sạn nhưng cũng không nhỏ bằng phòng trong tiềm thủy đỉnh. Rest room rất là nhỏ, tay tôi với đụng trần phòng. Phòng tắm cực kỳ nhỏ, mấy lần tôi rớt cục xà bông mà không tài nào nhặt nó lên được vì xoay hướng nào mông mình cũng chạm bốn bức tường Đông Tây Nam Bắc khi cúi xuống để nhặt nó lên. Hệ thống giật nước của toilette như là máy bay, có nghĩa là nó hút nước đi  chứ nước không lặng lẽ trôi đi một dòng sông xanh xanh như toilette ở nhà. Nhưng sức hút của nó mạnh gấp trăm lần trên máy bay. Nó mạnh đến nỗi có bảng chỉ dẫn phải đậy nắp lại trước khi bấm nút giật nước. Một khi bấm nút xong thì tiếng nước cuốn như cuồng phong độ kinh khủng cấp 5, cả nước biển Thái Bình Dương tràn vào rồi cuốn đi tất cả di tích lịch sử của bồn toilette trong tích tắc. Tôi nghĩ chắc chắn phải có người đãng trí  ngồi bình chân vại không đóng nắp rồi bấm nút giật nước như ở nhà. Bảo đảm nó hút cả người đó ra bên ngoài xuống tận đáy biển.

Trên tầu họ làm phòng hai ngày một lần.Hãng cruise tính thêm tiền tip, pourboire, bồi dưỡng  $11/ một ngày/một hành khách nhưng vì gặp họ thường lệ nên chúng tôi cho thêm tiền cho anh làm phòng và anh hầu bàn ở nhà hàng ăn tối. 2600 hành khách không phải là ít, vậy mà số nhân viên trên tầu cũng ngoài sức tưởng tượng: 1100 người từ 52 quốc gia khác nhau. Phi Luật Tân và Ấn Độ nhiều nhất, ở đâu cũng thấy con cháu của cựu tổng thống Ferdinand Marcos và Mahatma Gandhi. Mỹ chỉ có loe que vài mạng. Người Anh khá đông. Nhân viên da trắng phần đông là từ các nước Đông Âu và Nam Mỹ. Anh Phi Luật Tân làm phòng nói cho tôi biết là họ làm 12 giờ một ngày, một tuần làm bẩy ngày không nghỉ. Lương lãnh khoán, không trả overtime. Tùy theo hợp đồng khác nhau, trường hợp anh ta thì làm mười tháng, nghỉ bốn tháng (không ăn lương), một anh người Argentina khác thì làm sáu tháng, nghỉ một tháng. Lương của họ tùy thuộc vào số lượng hành khách, thay đổi không cố định vì tiền thu vào ưu tiên trả phí tổn trước (xăng nhớt, duy trì tầu.,lương nhân viên chủ chốt…), phần còn lại mới trả cho họ.

Tầu nào cũng có một khoảng trống ở giữa rất nguy nga tráng lệ. Nơi đây tập trung hàng quán shopping, thư viện, quầy bar, ghế ngối thư giãn, và thường thì có vài người đánh đàn trống, hay piano. Tiếng Anh khoảng trống này là atrium mà anh tôi gọi đùa là “sảnh đường”. Khi mua vé, tìm được phòng ngủ gần “sảnh đường” thì rất thích vì chỉ cần bước vài bước là mình đã đến khu thị tứ nhộn nhịp, ngồi đó nghe nhạc hay xem ông đi qua bà đi lại dĩ nhiên thú vị hơn là đóng đô trong phòng.

Tôi sợ đi máy bay vì thường bị ói. Lần trước đi cruise gần đất liền biển lặng sóng yên nhưng lần này chưa đi đêm nhiều thế mà đã có ngày gặp ma.Ngày thứ hai tầu gặp cơn bão Patricia phải né tránh tìm đường khác. Chỉ chạy ở ven bão thôi mà tầu nhồi lên xuống, sóng nửa thước đến một thước đánh vào tầu cộng với gió ngược chiều thổi làm con tầu chòng chành suốt buổi chiều và đêm.Nhức đầu không chịu nổi, tôi mở hộp thuốc say sóng đọc cách chỉ dẫn: “Uống trước khi lên tầu ,thành ra uống vào hai viên thay vì một cũng đã quá trễ: bao nhiêu mật xanh mật vàng tôi ói ra hết. Đêm vài tiếng tôi ngủ ngồi không dám nằm vì nằm thân thể chao đi chao lại làm mình còn nhức đầu hơn nữa.

Kỹ nghệ du lịch bằng thuyền là một trong những ngành thương mại thutiền nhiều nhất thế giới. 70% tiền lợi tức đến từ các đường biển có bến cặp ở Bắc Mỹ: Canada, Mỹ, Mễ Tây Cơ, các xứ nhỏ ở vùng biển Caribbean. Chỉ đi từ Long Beach/Los Angeles đến vùng Mexican Riviera  đã có sáu hãng cruise: Carnival, Princess, Royal Caribbean, Norwegian, Holland America, Celebrity X Cruises. Tầu cập bến trở về ban sáng, khách xuống tầu, nhân viên chuẩn bị dọn dẹp tầu cho sạch sẽ, tiếp tế xăng nhớt lương thực mới, khách mới lên tầu, chiều tầu nhổ neo đi một tuần nữa và cứ thế mà tiếp tục, đi đến không  ngừng. Chiếc tầu Sapphire tôi đi thì đặc biệt, tùy theo mùa nó đi khắp mọi nơi: Alaska, Canada, Hawaii, New England và Mexican Riviera.       

Đi cruise lần này chỉ là lần thứ hai nhưng tôi rất thích. Không điện thoại, không email, không đời sống làm lụng hì hục hằng ngày, ăn uống thả giàn, xem bao nhiêu show ca nhạc, ngồi ghế salon thoải mái nghe nhạc sống, thăm viếng được nhiều nơi, không phải tiêu nhiều tiền, đủ thứ phương tiện tập thể dục, tha hồ chụp hình lắm nơi đẹp trên đất liền cũng như cảnh hùng vĩ của biển cả. Nếu là hai vợ chồng đi honeymoon thì thật không có du lịch nào khác sánh bằng, Đôi uyên ương trẻ không những hưởng được tất cả mọi sự tôi đã liệt kê bên trên, mà khi nói đến tình yêu lãng mạn, tối ngày có thể ở trong phòng để “sáng bẩy chiều ba, đêm vào tiên cảnh”. Tôi chỉ ước ao trở lại thời trẻ tuổi để cũng có thể thực hiện được giấc mộng đó, thế nhưng xui xẻo cho tôi, đời chỉ là một giấc mơ. Già cú đế như tôi thì “sáng bẩy chiều ba, đêm kêu cấp cứu”chứ không thể nào vào tiên cảnh được
Nguyễn Tài Ngọc

http://i775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Mexico%20cruise%20-%20Oct-2009/DSC_1811.jpg?t=1256044888

http://i775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Mexico%20cruise%20-%20Oct-2009/DSC_1160.jpg?t=1256044961

http://i775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Mexico%20cruise%20-%20Oct-2009/DSC_1981.jpg?t=1256045168



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét